Chủ nhật, 24/11/2024, 16:47[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất nhìn từ những nhân tố mới

Thứ 7, 30/12/2017 | 11:36:29
1,320 lượt xem
Tích tụ ruộng đất quy mô lớn là hướng đi tất yếu trong định hướng phát triển ngành Nông nghiệp. Với sự năng động, nhạy bén, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã mạnh dạn thuê, mượn ruộng để canh tác trên quy mô lớn, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, có liên kết chặt chẽ, đầu ra ổn định.

Tích tụ ruộng đất là tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ở xã thuần nông Việt Hùng (Vũ Thư) có một nông dân nhiều năm qua đã tạo dựng cho mình một “cánh đồng mẫu” để thỏa chí phát triển sản xuất. Thuê lại vùng trồng dâu rộng 4,5ha của trại tằm đã giải thể từ năm 2007, anh Hoàng Bá Toản, thôn Mỹ Lộc 1 luân canh mùa nào thức ấy trồng đủ các loại rau, dưa, hoa. Để tiện cho việc đầu tư thâm canh, anh tổ chức quy hoạch, cải tạo và đầu tư mua sắm đầy đủ các loại máy móc, nông cụ như máy cày, máy làm đất, máy vun luống… phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi năm anh trồng từ 4 - 5 vụ, mang lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. 

“Ai cũng biết làm ruộng thu nhập không cao nhưng nếu có diện tích sản xuất đủ lớn, chủ động trong sản xuất, biết đầu tư thâm canh thì vẫn có thu nhập khá” - anh Toản tâm sự.

Cùng quan điểm với anh Toản, anh Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) cho rằng: Khi đất đai quy về một mối, dưới bàn tay của người có tâm, có tầm sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Không quản ngại khó khăn, cần mẫn thu gom từng thửa ruộng, chắt chiu từng tấc đất, anh Hưng gom được 20ha ruộng, phần lớn là thuê lại của các hộ không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn xã để cấy lúa. Cùng với áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, anh còn đầu tư máy móc chế biến tiêu thụ lúa, gạo, hình thành chuỗi khép kín. Theo tính toán của anh, mỗi sào lúa người thuê đất lãi 75.000 đồng/tháng. Với diện tích 20ha, anh Hưng có thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng.

Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Hoàng Bá Toản cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, ở nhiều địa phương tình trạng nông dân bỏ ruộng không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân coi đây là cơ hội tốt để thu gom và mở rộng diện tích sản xuất của mình. Đây chính là tín hiệu vui đối với quá trình tích tụ ruộng đất, hướng tới một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Chúng ta không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nếu cứ tiếp tục giữ kiểu canh tác nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Đặc biệt, không thể xây dựng thương hiệu cho nông sản có sức cạnh tranh cao, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín nếu còn tình trạng “mạnh ai người đó làm”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10/2017, toàn tỉnh đã có 11.122,58ha đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 3.369,18ha ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với 39 tổ chức và 344 cá nhân thực hiện; diện tích đất tập trung theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là 7.753,4ha, chủ yếu là lĩnh vực trồng trọt. Thực tế sản xuất từ các mô hình tích tụ ruộng đất đã mang lại hiệu quả rõ nét hơn hẳn so với sản xuất thông thường. Người dân có điều kiện phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong khi các địa phương đang lúng túng với việc mở rộng hạn điền thì tỉnh Thái Bình đã có cách làm mới: chính quyền đã đứng ra ký hợp đồng với người dân rồi cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời gian từ 20 năm trở lên. Cơ chế này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển cánh đồng mẫu lớn; tạo đột phá cho sự ra đời của thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp gắn với việc bảo đảm lợi ích ổn định của người nông dân. Đây là cách làm sáng tạo cần được nghiên cứu, nhân rộng trên quy mô cả nước.

(Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình ngày 8/4/2017)


Sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh tổ chức tháng 4/2017, tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình đã được giới thiệu tới hàng chục doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn TH, Liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Geleximco…, mở ra vận hội mới cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà với diện tích đất nông nghiệp các doanh nghiệp đăng ký để thực hiện các dự án lên tới 8.000ha.

Mục tiêu đến hết năm 2020 nâng tổng diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất lên khoảng 12.000ha; hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoảng 15.000ha phục vụ các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung. 

Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trung ương cho tiến hành nghiên cứu thử nghiệm mô hình các tổ chức quản lý quỹ đất như “ngân hàng đất”, xây dựng chiến lược, chương trình cụ thể xử lý căn bản vấn đề thu hút lao động nông thôn sang thị trường lao động phi nông nghiệp một cách chính thức.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày