Thứ 6, 22/11/2024, 19:52[GMT+7]

Phát huy lợi thế, tranh thủ thời cơ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2018

Chủ nhật, 31/12/2017 | 19:57:31
1,458 lượt xem
Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Báo Thái Bình trân trọng gửi tới độc giả bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đạt được trong năm qua và định hướng phát triển của tỉnh trong năm tới.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Công ty Điện cơ Aidi. Ảnh: Thành Tâm

Phóng viên: Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy! Xin đồng chí cho biết những dấu ấn rõ nét và những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh trong năm 2017?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản song cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, trực tiếp là những yếu tố bất lợi của thị trường một số sản phẩm, tình hình thời tiết, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành trung ương; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Trong đó, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,48%. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững; đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 186 xã (chiếm 70,7%) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã được cấp nước sạch sinh hoạt, bình quân toàn tỉnh đã có trên 70% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 19,72% (công nghiệp tăng 19,21%, xây dựng tăng 20,9%) so với năm 2016. Xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá. Thu ngân sách nội địa ước đạt trên 6.827 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và thông tin, truyền thông đạt nhiều kết quả tốt và chuyển biến tiến bộ. Các chính sách đối với người và gia đình có công được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời; các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn được quan tâm duy trì thường xuyên. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; tình hình chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình đã tạo đột phá khi thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, mang lại hiệu quả thiết thực. Xin đồng chí cho biết những cách làm riêng, sáng tạo của Thái Bình trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để làm nên những thành công đó?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Từ năm 1998 đến năm 2012, tỉnh ta thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn; tổng số vốn nhà nước đầu tư là 509,315 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 92,615 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Thế giới 416,7 tỷ đồng); có 66 công trình cấp nước sạch nông thôn (trong đó 30 công trình quy mô cấp thôn, 20 công trình quy mô cấp xã, 16 công trình quy mô cấp liên xã) đã xây dựng trong giai đoạn này cấp nước cho 64 xã và 44 thôn.

Tuy nhiên, vốn ngân sách nhà nước chỉ bố trí khoảng từ 10 - 15 tỷ đồng mỗi năm và phân chia dàn trải cho nhiều dự án, trong khi đó nhu cầu xây dựng cho 1 trạm cấp nước sạch của 1 xã khoảng 20 tỷ đồng dẫn đến tình trạng thi công kéo dài, không ít dự án chưa xây dựng xong thì một số hạng mục được thi công trước đã hỏng, không sử dụng được. Đối với các công trình được xây dựng bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới thì được bố trí vốn và thi công tập trung hơn nhưng cơ chế quản lý cũng không có gì khác so với vốn ngân sách. Có thể nói, chất lượng và hiệu quả đầu tư công trình nước sạch nông thôn giai đoạn này rất thấp: hầu hết là áp dụng công nghệ cũ, nguyên vật liệu xây dựng chất lượng thấp; mặt khác, công trình nước sạch nông thôn được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vận hành đã bộc lộ yếu kém về chuyên môn nghề nghiệp và cơ chế hành chính quan liêu… dẫn đến tình trạng tài sản hư hỏng không có vốn sửa chữa, thu không đủ chi lương, dần thu hẹp phạm vi phục vụ, thậm chí đã có một số dừng hoạt động.

Trước tình hình nêu trên, nếu không mạnh dạn đổi mới tư duy và cách làm thì không những không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân mà còn không bảo toàn được tài sản của nhà nước đã đầu tư. Căn cứ chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 2/8/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Cơ chế, chính sách của tỉnh theo quan điểm giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành công trình trên cơ sở dịch vụ, chịu trách nhiệm về tài sản và hạch toán; nhà nước hỗ trợ một phần về đầu tư theo cơ chế quy định và thực hiện việc quản lý về chất lượng nước sạch sinh hoạt, quản lý giá bán nước sạch sinh hoạt.

Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, đến tháng 4/2014 đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 23 công trình phục vụ cấp nước cho 137 xã với tổng vốn đầu tư 1.384 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư từ trước tới năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp huy động khoảng trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng, quản lý 57 công trình cấp nước sạch sinh  hoạt ở nông thôn; 100% số xã được cấp nước sạch sinh hoạt, bình quân toàn tỉnh đã có trên 70% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đặc điểm công trình nước sạch nông thôn được đầu tư giai đoạn hiện nay là mỗi công trình được quy hoạch cấp nước sạch cho nhiều xã mà giai đoạn trước thì mỗi xã có một công trình cấp nước; nguyên vật liệu đưa vào xây dựng bảo đảm chất lượng; suất đầu tư được doanh nghiệp kiểm soát kỹ lưỡng, tránh lãng phí trong đầu tư; công nghệ sản xuất nước sạch được áp dụng theo tiêu chuẩn tiên tiến; duy trì áp lực nước trong đường ống liên tục 24 giờ trong ngày bảo đảm cấp nước thường xuyên cho nhân dân. Các doanh nghiệp đầu tư, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn đều thực hiện quản lý sâu sát, bảo đảm các hoạt động được đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Thực tế đã chứng minh việc xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn với sự vào cuộc của doanh nghiệp ở Thái Bình là cách làm đúng hướng, bảo đảm hoạt động phục vụ lâu dài và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất và phục vụ; sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội cùng với doanh nghiệp để bảo đảm sản xuất, cấp nước sạch sinh hoạt cho 100% số hộ gia đình ở nông thôn toàn tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá những nét nổi bật của Đảng bộ Thái Bình trong thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2017?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Trong năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các mặt và đạt những kết quả quan trọng. Công tác tư tưởng được tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo được sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân. Đã tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc ở những tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Công tác cán bộ tiếp tục đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch; tập trung điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các bước quy trình và một số nội dung về công tác cán bộ, khắc phục những mặt hạn chế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ. Hoàn thành việc rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020; quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện chính sách cán bộ, đảng viên được quan tâm thực hiện nghiêm túc.

Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát năm 2017 có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Công tác dân vận, nội chính và phòng, chống tham nhũng được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực.

HĐND các cấp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri, quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng của địa phương. Công tác quản lý, điều hành của UBND các cấp được đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt hơn; chú trọng nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động và kỷ luật, kỷ cương của bộ máy hành chính; tích cực chỉ đạo công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính và chế độ công vụ, công chức; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực.

MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; chất lượng, hiệu quả được nâng lên; phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Phóng viên: Phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, khuyết điểm trong năm qua, năm 2018, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thưa đồng chí?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tăng cường đoàn kết, thống nhất; đề cao kỷ cương, kỷ luật; năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9,5% trở lên so với năm 2017: Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, giữ vững ổn định năng suất lúa; trước mắt, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất đã ban hành, bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ đông, vụ xuân nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong sản xuất nông nghiệp năm 2017. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích gắn với thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ và của tỉnh, phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới theo quy định. Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng của các công trình nhóm 1 cho các xã chưa về đích, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, có hiệu quả các nguồn lực huy động. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với năm 2017 và 100% số xã đến kỳ công nhận lại đạt chuẩn theo tiêu chí mới; các xã thực hiện kế hoạch thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt bình quân toàn tỉnh đạt 85% trở lên.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, xác định đây là yếu tố quan trọng, quyết định tăng trưởng kinh tế. Triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Công Thương và các quy hoạch phát triển ngành đã phê duyệt. Thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Thực hiện tốt tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập khu kinh tế Thái Bình. Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Chỉ đạo sâu sát, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế đồng thời tăng cường các giải pháp chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để tăng cường thu hút đầu tư phát triển. Tập trung thực hiện quyết liệt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Thực hiện hiệu quả xã hội hóa thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, đất đai, môi trường; kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm. Chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông; tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực này. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, thường xuyên thực hiện công tác bảo trợ xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, đột xuất, bất ngờ về quốc phòng và an ninh trật tự. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm an toàn giao thông; triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn với việc kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới và việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền; kịp thời nắm bắt và định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm túc chính sách cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp năm 2018. Chú trọng việc thực hiện kết luận sau kiểm tra, giám sát. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện tốt công tác nội chính; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính quyền, tăng cường cải cách hành chính, kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân; công tác giám sát, phản biện xã hội; thực hiện đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị.

Phóng viên: Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy! Nhân dịp bước sang năm mới 2018, đồng chí có mong muốn và gửi lời chúc gì đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Bước sang năm mới 2018, tôi mong muốn các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, lao động cần cù, sáng tạo và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2018, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mừng xuân mới, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi thân ái gửi tới các gia đình có công với nước, các gia đình liệt sĩ; các đồng chí thương binh, bệnh binh; các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn tỉnh cùng bà con quê hương Thái Bình đang sinh sống, học tập và làm việc ở ngoài tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng; chúc mọi nhà, mọi người hạnh phúc và thành công; năm mới thắng lợi mới!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trả lời phỏng vấn Báo Thái Bình. Kính chúc đồng chí cùng gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, hạnh phúc.

Nguyễn Hình

(thực hiện)