Thứ 4, 24/07/2024, 04:44[GMT+7]

Cần sớm làm rõ việc hủy hoại tài sản công dân tại xã Nam Thắng

Thứ 5, 01/02/2018 | 14:12:10
2,212 lượt xem
Thời gian qua, dư luận nhân dân các xã khu Nam, huyện Tiền Hải rất bức xúc về việc một số người thuộc dòng họ Phạm đã tổ chức đến gia đình bà Phạm Thị Răm, thôn Rưỡng Trực Nam, xã Nam Thắng đập phá tường dậu, làm mất trật tự, an ninh tại địa phương. Hiện bà Răm trong tình trạng rất hoang mang, hoảng sợ và đã gửi đơn đến cơ quan pháp luật đề nghị giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Thái Bình, bà Phạm Thị Răm cho biết suốt 20 năm qua gia đình bà và mọi người trong dòng họ Phạm sống yên ổn không có mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Sau khi bố mẹ bà chết, bà là con gái thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của Bộ luật dân sự nên đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 60 theo tờ bản đồ số 5 đo đạc năm 1995 với diện tích đất 887,8m2, trong đó diện tích đất ở 300mvà trồng cây lâu năm 587,8m2. Trong năm 2010, gia đình có chuyển nhượng lại cho ông Phạm Văn Thế và ông Vũ Văn Đông một số diện tích. Hiện nay tổng diện tích đất của gia đình chỉ còn hơn 700m2. Từ đó đến nay, gia đình bà Răm sinh sống ổn định lâu dài trên thửa đất đó và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước về việc nộp thuế đất ở nông thôn. Đối với diện tích đất Nhà thờ họ Phạm liền kề với thửa đất của bà Răm cũng được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/5/1997 là 360m2. Tuy nhiên, đại diện dòng họ đã gửi đơn lên UBND xã kiện gia đình bà Răm tranh chấp đất và đòi lại quyền sử dụng một phần diện tích trên thửa đất bà đang sử dụng. Ngày 6/2/2017 gia đình bà Răm tiến hành xây dậu, các công trình phụ trên diện tích đất mà bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 3/2017 một số người trong dòng họ Phạm đã tổ chức đến gia đình chửi bới và phá một phần tường dậu xây của bà. Đặc biệt vào ngày 31/12/2017, số đối tượng lại đến đập phá khoảng gần 3m tường dậu của gia đình khiến bà Răm vừa bất bình, vừa lo sợ. Theo bà Răm, hiện nay chưa có cơ quan chức năng tiến hành thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại của bà do bị đập phá.

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, ông Vũ Ngọc Tính, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cho biết: Trước đó, UBND xã Nam Thắng có nhận được đơn kiến nghị của đại diện dòng họ Phạm về việc tranh chấp đất của dòng họ Phạm với gia đình bà Phạm Thị Răm. Căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, địa phương đã tổ chức mời các bên lên hòa giải 2 lần và tiến hành xác minh, thu thập các tài liệu có liên quan để làm rõ nguồn gốc, hiện trạng đất hiện nay của nhà thờ họ Phạm và diện tích đất ở của gia đình bà Phạm Thị Răm. Tuy nhiên sự việc trở nên phức tạp khi bà Phạm Thị Răm có đơn tố cáo một số người trong dòng họ đã tổ chức đến đập phá dậu mới xây của gia đình. UBND xã đã cử lực lượng xuống lập biên bản, ngăn chặn hành vi đập phá. Xét thấy việc giải quyết vụ việc tranh chấp vượt quá thẩm quyền của địa phương, UBND xã đã chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng huyện Tiền Hải để giải quyết. Hiện sự việc đang được Công an huyện Tiền Hải thụ lý điều tra. Đối với chính quyền xã Nam Thắng rất mong muốn dòng họ Phạm và gia đình bà Răm có tiếng nói chung hòa giải để xử lý sự việc có tình, có lý. Tuy nhiên, nếu việc tranh chấp không thực hiện được bằng biện pháp hòa giải, mong rằng các cơ quan chức năng huyện Tiền Hải sớm làm rõ và giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật để ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của bà Răm cũng như nhân dân các xã khu Nam huyện Tiền Hải, cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi phá hoại tài sản của công dân.

Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.


Phan Anh - Mạnh Thắng

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày