Thứ 2, 20/05/2024, 20:54[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy quyền trẻ em

Thứ 2, 05/02/2018 | 09:01:33
961 lượt xem
Thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bạo hành, đuối nước, xâm hại vẫn diễn ra. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy quyền trẻ em cần được quan tâm, chú trọng hơn.

Học sinh Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư) tìm hiểu kiến thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017 cả nước xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em, hơn 1.800 em bị đuối nước. Tại Thái Bình, trong năm 2017 toàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ tai nạn thương tích, trong đó có 31 trẻ em bị đuối nước, 5 vụ tai nạn giao thông, ngoài ra còn một số vụ bị bạo hành, xâm hại trẻ em… khiến dư luận bức xúc. 

Để bảo vệ và phát huy quyền trẻ em, những năm qua tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện như: chương trình hành động vì trẻ em, bảo vệ trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em... Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động bảo đảm quyền tham gia của trẻ em như năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho 1.600 học sinh thuộc 8/8 huyện, thành phố; tập huấn kỹ năng sống cho 400 trẻ thuộc nhóm nòng cốt tại 4 xã thực hiện mô hình phòng, chống tai nạn thương tích và tập huấn cho 1.200 bậc ông bà, cha mẹ, người đang chăm sóc trẻ em về cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em. 

Năm 2017, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai Luật Trẻ em đến các địa phương trong tỉnh; tổ chức diễn đàn về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em nhân tháng hành động vì trẻ em cho hơn 400 học sinh; in ấn hàng nghìn tờ rơi nội dung về phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em phát cho học sinh… Những hoạt động này từng bước nâng cao nhận thức cho các em trong việc tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. 

Em Trần Ánh Ngọc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư) cùng hơn 200 học sinh khác tham gia lớp tập huấn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đầu năm 2018, sau buổi tập huấn em chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn không chỉ giúp em và các bạn hiểu rõ hơn tầm quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em mà việc được tiếp cận các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là Luật Trẻ em giúp em hiểu rõ quyền và trách nhiệm trẻ em, biết tiếp thu, phản hồi ý kiến đến cơ quan chức năng đối với các vấn đề liên quan đến các em để được giải quyết kịp thời.

Theo ông Phí Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em có bước chuyển biến tích cực, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần triển khai đồng bộ các hoạt động từ việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em, nâng cao năng lực cán bộ, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tăng cường theo dõi, giám sát đánh giá. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, nhà trường và gia đình theo chức trách và khả năng của mình phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện tốt Luật Trẻ em, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hướng sự chú ý vào việc vận động nhân dân quan tâm hơn nữa đến công tác nuôi dưỡng, giáo dục đối với trẻ em. Đặc biệt, quan tâm đến việc giáo dục hình thành nhân cách tốt đẹp, phát huy trí tuệ của trẻ em mà sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội luôn có ý nghĩa quyết định.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày