Thứ 7, 23/11/2024, 12:13[GMT+7]

Vươn mình sau lũ, bão

Thứ 5, 08/02/2018 | 16:10:07
937 lượt xem
Cánh đồng rau hàng trăm héc-ta xanh tốt, mỡ màng bị nhấn chìm trong biển nước, cả cơ nghiệp là các lồng cá tiền tỷ mất trắng trong một đêm bởi lũ, hàng trăm cánh đồng vụ đông mới trồng bị mưa, bão làm hỏng… Năm 2017, nông dân Vũ Thư phải gánh chịu những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra nhưng với ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường, những người nông dân đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm hồi sinh những cánh đồng, dòng sông.

Cánh đồng rau của xã Vũ Vân (Vũ Thư) tràn đầy sự sống sau 2 lần ngập chìm trong nước lũ.

Hai tháng kể từ ngày dòng lũ dữ bất ngờ xả xuống sông Hồng làm hơn 80 tấn cá lồng của gia đình chết toàn bộ, vợ chồng ông Phạm Văn Thư, bà Nguyễn Thị Hường, thôn Tương Đông, xã Hồng Phong (Vũ Thư) vẫn chưa hết xót xa. 

Ông Thư chia sẻ: Không xót sao được khi cả cơ nghiệp, vốn liếng, thậm chí tiền tỷ vay ngân hàng cũng được gia đình tôi dồn cả vào 13 lồng cá. Thời điểm đó, cá sinh trưởng tốt, sắp cho thu hoạch thì bất ngờ chỉ trong vài tiếng đồng hồ (đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14/10), nước lũ đột ngột dâng cao thêm 2m, nước chảy xiết, áp lực dòng chảy quá lớn khiến hơn 80 tấn cá trong các lồng bị va đập vào nhau chết hết. Cá chết, gia đình tôi mất trắng khoảng 4 tỷ đồng, trong đó hơn 1 tỷ đồng nợ ngân hàng chưa trả. Những ngày đầu, vì thiệt hại quá lớn, bất ngờ nên vợ chồng tôi chán nản lắm, muốn buông xuôi tất cả, nhiều ngày liền hai vợ chồng không thiết ăn uống gì. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi cho rằng chỉ trừ con người mất thì không thể làm lại, còn tài sản, mình có quyết tâm, chịu khó, chịu khổ, ắt sẽ làm lại được. Khi nỗi buồn nguôi ngoai, vợ chồng tôi động viên nhau “thua keo này ta bày keo khác”, quyết tâm khôi phục lại lồng bè. Được anh em bạn bè hỗ trợ nguồn vốn, vừa qua gia đình tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng mua 26 vạn con cá diêu hồng giống, hiện đang ương trong ao chờ khi cá cứng cáp mới thả ra lồng; đồng thời, tập trung sửa chữa, nâng cấp một số lồng bè bị hỏng, méo do lũ.

Trước đó, giữa tháng 9, do triều cường kết hợp với thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến toàn bộ vùng bãi của xã Vũ Vân (Vũ Thư) bị chìm trong biển nước. Toàn xã có 125,6ha hoa màu (chủ yếu là cải bắp vụ đông sớm), 21ha thủy sản, 19 ngôi nhà bị ảnh hưởng do nước lũ, ước tính tổng thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. 

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Trước trận lụt, cả cánh đồng bãi bao la, trù phú, rau màu xanh mướt; các trang trại cá, lợn, gà tràn đầy sức sống, nhưng sau vài ngày chìm trong nước lũ, chỉ còn trơ lại đất sình lầy. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đầu tư vào trang trại, làm đất, gieo trồng chăm sóc cải bắp sớm của nông dân mất trắng, tâm lý bà con không tránh khỏi buồn bực, thất vọng. Ngay thời điểm đó, cả hệ thống chính trị đã kịp thời vào cuộc động viên, “xốc” lại tinh thần cho bà con để khẩn trương khôi phục sản xuất. Không may mắn là khoảng 3 tuần sau, khi hầu hết các hộ vừa trồng lại lứa rau, cải bắp mới, cánh đồng bãi Vũ Vân lại 1 lần nữa bị ngập lụt, gây thối, hỏng toàn bộ lứa rau lần hai. Lũ kép đã khiến một số nông dân thực sự khó khăn và có tâm lý “oải”, muốn từ bỏ cây màu vụ đông. Tuy vậy, nhiều người vẫn giữ tinh thần lạc quan, quyết không bỏ cuộc, kiên trì bắt tay sản xuất lần thứ ba. 

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nhìn lại năm 2017 quả là một năm khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp của huyện. Không riêng nông dân Vũ Vân bị ngập úng, nông dân Hồng Phong bị thiệt hại thủy sản nghiêm trọng mà từ đầu vụ mùa, ngập úng làm 600ha lúa chết phải gieo cấy lại; đến tháng 10/2017, gần 1.000ha lúa, 1.000ha thủy sản, 1.760/2.300ha cây màu vụ đông ưa ấm mới gieo trồng của các địa phương trong huyện cũng bị mất trắng do ảnh hưởng của mưa, lũ, bão, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất cho nông dân. Trước thực trạng này, huyện chủ động, linh hoạt ban hành kịp thời cơ chế bổ sung hỗ trợ, khuyến khích nhằm kích cầu sản xuất vụ đông; cùng với đó, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để vận động, động viên nhân dân tiến hành gieo trồng lại cây màu vụ đông để khắc phục hậu quả mưa, úng.

Những giàn bí xanh vụ đông của nông dân Minh Khai, Song Lãng sai trĩu quả dù ảnh hưởng của mưa lớn đầu vụ.

“Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt, nhờ tinh thần “thua không nản”, quyết vượt khó vươn lên của nông dân Vũ Thư, chỉ trong vòng gần 2 tháng sau mưa lũ, 3.000ha cây màu vụ đông được gieo trồng mở rộng thêm, đưa tổng diện tích cây màu vụ đông toàn huyện đạt trên 5.300ha, vượt hơn 200ha so với kế hoạch đề ra. Hiện gần 900ha cây màu vụ đông như bí xanh, ngô quà, dưa bao tử, đậu cô ve, rau màu đã và đang cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế từ 2 - 4 triệu đồng/sào, giúp nông dân phần nào bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra với cây màu vụ đông đầu vụ. Mặc dù chịu hai lần thiệt hại về cây trồng do lũ dâng nhưng nông dân Vũ Vân vẫn kiên trì, nhanh chóng tiến hành sản xuất lại, đến nay đã thành công ở lứa rau thứ ba, giúp bà con có thêm nguồn thu đáng kể. 

Đặc biệt, bị “sạt nghiệp” vì lũ nhưng với nghị lực phi thường, gia đình ông Phạm Văn Thư ở xã Hồng Phong đã mạnh mẽ vượt qua, hiện đang tập trung tổ chức sửa chữa, tu bổ hệ thống lồng bè, tiếp tục đầu tư sản xuất vụ cá mới” - ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho hay.

Những người nông dân gần gũi, giản dị như cây lúa củ khoai nhưng trong khó khăn đã minh chứng cho bản lĩnh vững vàng, quyết tâm sắt đá mà có lẽ không bão lũ, thiên tai nào có thể khiến họ gục ngã. Sau những mất mát, trơ trọi, những cánh đồng vụ đông lại bát ngát xanh tươi, những chuồng trại, lồng bè đông đúc lợn, gà, cá, tôm. 

Khát vọng về một cuộc sống no ấm, đủ đầy sẽ luôn là động lực để người nông dân vượt mọi gian khổ, mất mát vươn lên.

Hà Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày