Thứ 7, 23/11/2024, 08:24[GMT+7]

Hiệu quả từ máy cấy

Thứ 4, 28/02/2018 | 09:23:04
792 lượt xem
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho nông dân để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã tổ chức nhiều mô hình trình diễn máy cấy để giới thiệu đến nông dân, tuy nhiên vì nhiều lý do, tỷ lệ sử dụng máy cấy vẫn rất thấp.

Nông dân có thể tiết kiệm từ 50.000 - 70.000 đồng/sào khi sử dụng máy cấy so với cấy tay truyền thống.

Thực tế sản xuất đã chứng minh, sử dụng máy cấy mang lại nhiều hiệu quả. Do vậy, mở rộng diện tích cấy bằng máy là chủ trương được khuyến khích nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là khâu then chốt, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, qua đó giải phóng được sức lao động của nông dân, giảm chi phí, thời gian sản xuất, bảo đảm thời vụ, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Trong sản xuất lúa, các khâu làm đất, tưới, tiêu, tuốt đập/tách hạt đạt 100% cơ giới hóa, tuy nhiên khâu gieo cấy mới chỉ đạt 15%, trong đó chủ yếu là cơ giới hóa trong gieo sạ, tỷ lệ cấy bằng máy chiếm rất ít. Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho nông dân để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã tổ chức nhiều mô hình trình diễn máy cấy để giới thiệu đến nông dân, tuy nhiên vì nhiều lý do, tỷ lệ sử dụng máy cấy vẫn rất thấp.

Những ngày đầu năm, khi không khí tết vẫn còn vương vấn trên từng con đường, ngõ xóm thì ngoài đồng ruộng, những người nông dân đang tất bật cho một vụ sản xuất mới. Trên cánh đồng xã Tân Phong (Vũ Thư), bên cạnh những thửa ruộng được người dân gieo thẳng, chiếc máy cấy đang cần mẫn từng lượt đi, rải màu xanh lên từng thửa ruộng. 

Bà Phan Thị Phúc, thôn Mễ Sơn 1 cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 1,5 mẫu. Do cấy với diện tích lớn nên tôi thường gieo thẳng ở những chân ruộng chủ động điều tiết nước, những ruộng trũng cấy bằng tay để bảo đảm thời vụ. Tuy nhiên, từ khi có máy cấy ở địa phương, tôi đã chuyển từ gieo thẳng sang cấy bằng máy để giảm rủi ro, hạn chế chuột phá hoại, không mất công tỉa dặm vì thế có thời gian đi làm thuê tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, cấy bằng máy cho năng suất lúa cao hơn từ 8 - 10% so với cấy tay. 

Không chỉ riêng gia đình bà Phúc, nhiều hộ dân của xã Tân Phong thấy được lợi ích máy cấy mang lại đã dần chuyển từ gieo sạ, gieo vãi sang máy cấy.

Là một trong những địa phương có nghề phụ phát triển, vì thế, để bảo đảm gieo cấy 100% diện tích, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đã mở rộng diện tích gieo cấy sử dụng máy lên trên 100 mẫu. Người dân có thể tự gieo mạ rồi thuê máy cấy hoặc khoán trọn gói. Với những ưu điểm: hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí (giống, công cấy), năng suất cao hơn cấy tay, phù hợp với đặc thù địa phương nên máy cấy nhanh chóng được người dân đón nhận.

Lúa cấy bằng máy hàng cách hàng 30cm, cây cách cây có thể điều chỉnh tạo độ thoáng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, cây bén rễ, hồi xanh nhanh hơn so với cấy tay. Ngoài ra, từ thực tế sản xuất cho thấy, với mỗi sào cấy tay, người dân phải bỏ ra khoảng 300.000 đồng tiền công cấy, thóc giống, chi phí làm mạ, tuy nhiên, nếu thuê máy cấy với giá trọn gói từ 230.000 - 250.000 đồng/sào, người dân có thể tiết kiệm từ 50.000 - 70.000 đồng/sào, tương đương từ 1,3 - 1,8 triệu đồng/ha.

Trong tình trạng thiếu hụt lao động trong mùa vụ đang diễn ra như hiện nay, sử dụng máy cấy là một trong những lựa chọn hữu hiệu vừa bảo đảm thời vụ, năng suất lại nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là giải pháp phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày