Thứ 7, 18/05/2024, 01:08[GMT+7]

Thái Thụy, Kiến Xương: Chủ động phòng, trừ lùn sọc đen

Thứ 5, 05/04/2018 | 08:27:17
451 lượt xem
Để chủ động phòng, trừ bệnh lùn sọc đen (LSĐ) gây hại lúa xuân, huyện Thái Thụy đã hỗ trợ hơn 5,3 tấn thuốc trừ rầy lưng trắng cho các hộ dân để tập trung phun trừ trên 100% diện tích lúa xuân và các bờ máng, bờ cỏ, nơi rầy trú ngụ.

Nông dân Kiến Xương phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Vụ mùa năm 2017, Thái Thành là xã có diện tích lúa bị nhiễm bệnh LSĐ lớn nhất huyện với hơn 200ha, chiếm gần 50% tổng diện tích, trong đó có 53ha nhiễm trên 20%, mất trắng 33ha. Vì vậy, ngay từ khi bước vào sản xuất vụ lúa xuân năm 2018, người dân địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguồn bệnh LSĐ lây lan, đặc biệt chú trọng phòng, trừ rầy lưng trắng (nguồn môi giới lây lan bệnh LSĐ). 

Cùng với các hộ dân khác trong xã, sau khi nhận được thuốc trừ rầy do huyện hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Hải, thôn Tân Nghĩa đã phun trừ ngay cho hơn 1 mẫu lúa xuân của gia đình. 

Ông Hải cho biết: Vụ mùa năm ngoái nhà tôi có hơn 4 sào lúa bị bệnh LSĐ gây mất trắng hoàn toàn. Do vậy, bước vào vụ lúa xuân này tôi rất quan tâm đến việc phòng, chống bệnh LSĐ. Được huyện hỗ trợ thuốc trừ rầy để phun trừ trong đợt này tôi cùng nhiều người dân khác rất phấn khởi, hăng hái ra đồng tập trung phun trừ cho kịp thời vụ. Qua đó góp phần ngăn chặn nguồn môi giới lây bệnh LSĐ.

Theo ông Phạm Hùng Khiên, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Thành: Thực hiện chiến dịch phun trừ rầy, HTX đã tiếp nhận hơn 10.000 gói thuốc trừ rầy Midan 10WP do UBND huyện hỗ trợ để cấp phát cho nông dân. Đồng thời, tổ chức cho bà con tập trung phun trừ vào hai ngày 29 - 30/3 trên toàn bộ hơn 400ha lúa xuân. Ngoài ra, HTX còn tổ chức phun toàn bộ bờ mương, bờ cỏ là nơi tiềm ẩn cư trú của rầy rất nhiều.

Vụ lúa xuân năm 2018, Thái Thụy gieo cấy 12.900ha. Hiện nay, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, trước diễn biến rầy lứa 1 nở rộ trên đồng ruộng cuối tháng 3, đầu tháng 4 với mật độ cao hơn trung bình nhiều năm, nơi cao hàng nghìn con/m2, đây là lứa rầy có nguy cơ truyền vi rút LSĐ cho lúa xuân, đặc biệt trên diện tích lúa gieo thẳng, để chủ động phòng, chống bệnh LSĐ gây hại lúa xuân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt chiến dịch phòng, trừ rầy cho 100% diện tích lúa xuân và trên các nơi rầy trú ngụ, thời gian phun trừ từ ngày 27/3 đến ngày 5/4. Để tập trung cao cho chiến dịch, huyện đã trích ngân sách trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 5,3 tấn thuốc trừ rầy Midan 10WP (gói 15 gam phun cho 1 sào lúa).

Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để chiến dịch trừ rầy đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở đôn đốc, hướng dẫn nông dân phun thuốc, chủ động phòng ngừa bệnh LSĐ phát sinh, lây lan. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện các khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, lá ngắn, xoắn, có màu xanh đậm, bộ rễ kém phát triển thì tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy ngay và cấy dặm lại bằng những cây lúa khỏe; bảo đảm có đủ nước tưới dưỡng cho lúa ở thời kỳ đẻ nhánh; diện tích lúa đang bị nhiễm rầy lưng trắng phải phun trừ không được để tình trạng thiếu nước xảy ra. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, ngành chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm. Kiên quyết không để các đại lý, cửa hàng trên địa bàn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng...

Thái Thụy hỗ trợ các xã, thị trấn hơn 5,3 tấn thuốc Midan 10WP (gói 15 gam phun cho 1 sào lúa) để cấp phát cho nông dân phun trừ rầy bảo vệ lúa xuân.

Thời điểm này, nông dân các địa phương trong huyện Kiến Xương đang tập trung phun thuốc phòng, trừ một số loại sâu bệnh gây hại cho lúa xuân. Nhằm tránh bệnh LSĐ phát sinh trở lại, ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo nông dân đồng loạt phòng, trừ rầy và đạo ôn.

Theo kết quả điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên các diện tích lúa xuân đang xuất hiện bệnh đạo ôn; hiện tượng ngộ độc hữu cơ; ngộ độc thuốc trừ cỏ và rầy lứa 1. Lứa rầy non bắt đầu nở rộ từ ngày 25/3 đến ngày 5/4, mật độ trung bình từ 20 - 30 con/m2, nơi cao từ 50 - 70 con/m2, cá biệt có ổ rầy lên tới hàng trăm con/m2 và rải rác ổ trứng rầy từ 3 - 5/m2 xuất hiện trên đồng ruộng ở hầu hết các xã, thị trấn. 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Toàn huyện có khoảng 600ha lúa bị nhiễm rầy, chủ yếu ở các xã Hồng Tiến, Bình Minh, An Bồi, Lê Lợi... Với mật độ sâu bệnh như hiện nay, nếu bình thường thì chưa phải phun thuốc phòng, trừ. Nhưng ở vụ lúa mùa năm 2017, nhiều địa phương có diện tích lúa bị bệnh LSĐ; khả năng nguồn vi rút LSĐ còn lưu trú trên đồng ruộng, nếu không phòng, trừ rầy sớm và triệt để thì sẽ là nguồn môi giới truyền vi rút LSĐ cho lúa xuân. Do đó, hiện nay toàn huyện đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và đôn đốc nông dân các địa phương khẩn trương trừ rầy kết hợp phòng, trừ bệnh đạo ôn cho các diện tích lúa bị sâu bệnh từ ngày 30/3 đến ngày 4/4.

Tại xã Quốc Tuấn, địa phương tổ chức gieo thẳng 100% diện tích lúa xuân, toàn bộ gần 340ha lúa đều lên xanh tốt. Mặc dù chưa phát hiện diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn, diện tích rầy gây hại chỉ rải rác với mật độ thấp song những ngày qua các cán bộ của HTX và xã viên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm bắt tình hình sâu bệnh để kịp thời xử lý. 

Ông Phạm Quang Hiến, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Trước nguy cơ rầy bùng phát và bệnh LSĐ quay trở lại, địa phương đã hướng dẫn nông dân kiểm tra, phát hiện những khóm lúa có biểu hiện: thấp lùn, lá xoắn, xanh đậm, cây cứng cằn, đẻ nhánh bất thường, rễ ngắn cứng và đâm ngang thì khẩn trương phun phòng, trừ rầy bằng thuốc nội hấp trước khi nhổ tiêu hủy và tỉa dặm lại bằng cây lúa khỏe.

Tại các xã có mật độ rầy cao, ngoài hướng dẫn cho nông dân dùng thuốc đặc hiệu trừ rầy trên ruộng lúa, cán bộ bảo vệ thực vật của xã còn chỉ đạo bà con cắt cỏ, phun thuốc vệ sinh bờ ruộng, bờ thửa để không còn nơi trú ngụ, phát sinh của rầy và một số loại sâu bệnh khác. 

Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An cho biết: Nhằm phòng, trừ rầy có hiệu quả, HTX đã chỉ đạo lực lượng nông giang điều tiết nước hợp lý, phân công cán bộ tư vấn cho nông dân những loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, đồng thời tổ chức các điểm cung ứng thuốc bảo đảm chất lượng cho bà con.

Hiện nay, song song với việc tập trung phòng, trừ rầy để ngăn ngừa bệnh LSĐ quay trở lại, các địa phương trong huyện Kiến Xương còn tổ chức cho cán bộ chuyên môn và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhất là đối với diện tích cấy các giống lúa BC15, TBR225, nếp các loại dễ nhiễm bệnh đạo ôn. Khi phát hiện lúa có tỷ lệ bệnh từ 3% trở lên thì tranh thủ thời tiết thuận lợi phun thuốc phòng, trừ ngay. Riêng những ruộng bị bệnh đạo ôn nặng thì hướng dẫn nông dân phải rứt, vơ và tiêu hủy lá bị bệnh trước khi phun thuốc và kiểm tra lại sau khi phun được 5 - 7 ngày, nếu thấy xuất hiện vết bệnh mới thì phun thuốc lại lần 2 ngay. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện yêu cầu các địa phương và nông dân thường xuyên tổ chức vệ sinh đồng ruộng, cắt cỏ bờ, dọn mạ dư thừa, các tàn dư thực vật trên đồng ruộng, thu vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy để thuận lợi việc chăm sóc lúa và tiêu diệt nguồn sâu bệnh, chuột trú ngụ gây hại cho lúa xuân.

Trần Tuấn - Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày