Thứ 3, 23/07/2024, 23:23[GMT+7]

An Khê: Sản xuất tập trung lúa tẻ Nhật

Thứ 6, 06/04/2018 | 08:43:33
1,271 lượt xem
Vụ xuân năm 2018, xã An Khê (Quỳnh Phụ) triển khai mô hình sản xuất tập trung lúa tẻ Nhật J.02. Đến nay, nhờ sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể cùng sự hưởng ứng của nông dân, mô hình đang hé mở những tín hiệu tích cực.

Nông dân thôn Lộng Khê 4, xã An Khê chăm sóc lúa tẻ Nhật.

Nhìn màu xanh non tươi tốt của lúa xuân trên cánh đồng Bà Và, thôn Lộng Khê 3 không ai nghĩ chỉ mới vụ trước đây là một trong những địa bàn sản xuất nông nghiệp kém nhất xã.  Địa bàn nằm giáp huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, ruộng gần đê nên hoa màu thường xuyên bị chuột cắn phá... nhiều nông dân nảy sinh tư tưởng bỏ ruộng. Mô hình sản xuất tập trung lúa tẻ Nhật tuy là vụ đầu áp dụng nhưng đã như một liều thuốc lấy lại sinh khí cho đồng đất và nông dân địa phương. 

Bà Trần Thị Thúy, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Lộng Khê 3 cho biết: Ngay khi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã triển khai mô hình sản xuất mới có hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm, nông dân thôn Lộng Khê 3 rất phấn khởi và tích cực hưởng ứng. Toàn bộ diện tích 2,5ha lúa tẻ Nhật được cấy tập trung với sự tham gia của 28 hộ dân, trong đó có nhiều hội viên Chi hội Phụ nữ thôn như chị Nguyễn Thị Lam cấy gần 2 mẫu, chị Phan Thị Ngoan cấy 5 sào... Đến nay, toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung.

Tại khu vực cánh đồng thuộc thôn Lộng Khê 4, bà Lê Thị Nụ đang bắt ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân. Dù là vụ đầu tiên bà Nụ cùng 32 hộ dân trong thôn tham gia mô hình sản xuất tập trung lúa tẻ Nhật với 3,55ha, tuy nhiên ai cũng tin tưởng vào thắng lợi. 

Bà Nụ hồ hởi chia sẻ: Cánh đồng này là vùng úng trũng, canh tác kém hiệu quả, nhiều vụ xã phải vận động nông dân cấy để bảo đảm diện tích. Vụ xuân này, nhờ mô hình sản xuất mới của xã, gia đình tôi canh tác 1,7 mẫu lúa, ngoài 9 sào lúa Nhật J.02 còn lại là các giống Đài thơm, Bắc thơm... Lúa Nhật J.02 có thể cấy được cả 2 vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, cây thấp, thân cứng nên chống chịu đổ, sinh trưởng khỏe, sức chống chịu sâu bệnh và chịu rét tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất trung bình 2,2 - 2,5 tạ/sào, gạo có chất lượng ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chăm sóc đúng theo đề án sản xuất, tôi tin chắc toàn bộ diện tích lúa Nhật của xã sẽ cho mùa vàng.

Năm 2017, diện tích canh tác lúa của An Khê là 344,3ha, năng suất lúa cả năm đạt 121 tạ/ha, tăng 3,16 tạ/ha so với năm 2016. Tuy vậy, năng suất lúa cả năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra do việc thay thế, bổ sung một số giống lúa có chất lượng cao và sản xuất lúa hàng hóa chưa được nhân dân tiếp thu rộng rãi. Đồng đất canh tác còn xuất hiện tình trạng manh mún, thiếu lao động trong nông nghiệp, chi phí sản xuất lớn, giá nông sản không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập dẫn tới tâm lý nông dân không an tâm sản xuất và xuất hiện tư tưởng bỏ ruộng.

Mô hình sản xuất tập trung giống lúa tẻ Nhật nhằm từng bước tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh hàng hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thuận tiện cho việc tổ chức các khâu sản xuất, công tác dịch vụ của HTX DVNN và thu hoạch bao tiêu sản phẩm, tương trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Để bảo đảm thắng lợi, HTX DVNN đã tổ chức cung ứng giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật, tổ chức dịch vụ thu hoạch bằng cơ giới tập trung, ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ An Bình (Hưng Yên) bao tiêu 100% sản phẩm lúa tươi sau khi thu hoạch với giá 6.500 đồng/kg. Hơn 6ha lúa tẻ Nhật J.02 được nông dân đồng loạt gieo mạ từ ngày 4/2, tổ chức cấy tập trung khi mạ đạt 2,5 - 3 lá, đến nay, toàn bộ diện tích đang sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân tập trung bón thúc cho lúa đẻ nhánh rộ kết hợp phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

Trước những đột phá trong sản xuất tại An Khê, lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ đã nhiều lần trực tiếp xuống cơ sở tham quan các mô hình sản xuất, lắng nghe và trao đổi những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. 

Ông Nguyễn Văn Điều, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy Quỳnh Phụ đánh giá cao mô hình sản xuất tập trung lúa tẻ Nhật của xã An Khê bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã cùng sự vào cuộc của các đoàn thể, có sự hỗ trợ, hợp tác giữa các hộ nông dân. Mô hình đã có sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất ở cơ sở, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt kịp thời khắc phục tình trạng nông dân có tư tưởng bỏ ruộng. Chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo địa phương cùng các đoàn thể làm tốt công tác chỉ đạo, cung ứng các khâu dịch vụ..., bảo đảm thắng lợi làm tiền đề, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Trịnh Cường


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày