Thứ 6, 22/11/2024, 23:41[GMT+7]

Thành phố: Tiềm ẩn nguy cơ cháy chợ

Thứ 2, 09/04/2018 | 09:12:22
3,151 lượt xem
Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy chợ đã xảy ra trên toàn quốc do công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn sơ sài, thiếu chuyên nghiệp. Tại thành phố Thái Bình, nguy cơ cháy chợ cũng luôn tiềm ẩn, rình rập.

Khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chợ Bo không bảo đảm.

Thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ tại các chợ, nhất là các chợ lớn trên địa bàn thành phố, tập trung đông tiểu thương. Mục sở thị một số chợ trên địa bàn thành phố cho thấy việc bảo đảm an toàn cháy, nổ vẫn còn rất nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Chợ Quang Trung có diện tích trên 8.000m2 với trên 300 quầy, ki-ốt, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải vóc, đồ da giày... 

Chị T.T.H.N chia sẻ: Hiện tại, những người buôn bán ở đây đều lo lắng về nguy cơ cháy, nổ. Bởi bao vốn liếng đều nằm tại chợ. Nếu trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn sẽ khiến bao nhiêu người điêu đứng, mất đi miếng cơm, manh áo. 

Còn tiểu thương Đ.V.N lo lắng: Đường hẹp, hàng quán hai bên nối nhau kín mít, nếu xảy ra cháy thì chưa chắc xe cứu hỏa đã vào được, lúc đó chắc chỉ lo chạy lấy người chứ ở lại cũng không giải quyết được gì. Dạo một vòng quanh chợ Quang Trung mới nhận thấy những lo lắng của bà con tiểu thương ở đây là hoàn toàn có cơ sở. 

Lối đi lại tại chợ Quang Trung bị hàng hóa, phương tiện giao thông làm cản trở lối thoát nạn.

Các mặt hàng đều có nguy cơ cháy, nổ cao, diện tích gian hàng nhỏ hẹp nên tình trạng bày hàng tràn ra lối đi thường xuyên xảy ra. Thời tiết chưa chuyển hè nhưng vào chợ không khí rất ngột ngạt, oi bức. Chợ quy mô lớn, lượng khách hàng thường xuyên đến chợ đông, nhất là cuối tuần, ngày lễ, tết nhưng xung quanh chợ chỉ có 25 bình MFZ4, 2 bình MFZT35, bể nước chứa 30m3 và 5 họng nước chữa cháy. 

Lối đi lại bị hàng hóa, vật tư, phương tiện giao thông, nhất là xe máy làm cản trở lối thoát nạn, trong khi biển chỉ dẫn không có. Mặc dù từ khi đi vào hoạt động năm 2006 đến nay chợ Quang Trung chưa xảy ra cháy, nổ nhưng không có nghĩa như thế đã đủ yên tâm, chủ quan, lơ là trong công tác PCCC.Chợ Bo sau vụ hỏa hoạn năm 2003 đã được đầu tư xây dựng hiện đại, với diện tích 9.000m2, trên 300 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Tại thời điểm xây dựng chợ, công tác PCCC đã được quan tâm đầu tư nhưng hiện nay chợ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. 

Bình cứu hỏa bị hàng hóa lấn chiếm, che khuất tầm nhìn.

Các dãy hàng hóa được bố trí lộn xộn, thiếu khoa học. Khối lượng hàng hóa lớn dẫn tới việc các tiểu thương sắp xếp bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, cửa, hành lang thoát nạn. Nhiều hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy khác làm cản trở giao thông phục vụ xe chữa cháy đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tại tầng 2 với các gian hàng mã, công tác PCCC còn chưa được chú trọng. Khoảng cách giữa các gian hàng gần như không còn. Cùng với đó, rác thải tràn lan, các vận dụng không dùng nhưng dễ cháy như tủ gỗ, sập gỗ, bìa cát tông, nilon... được vứt bỏ tràn lan ngay phía sau quầy hàng. Nếu xảy ra cháy sẽ là điều kiện thuận lợi để cháy lan nhanh, uy hiếp các dãy hàng vải ở tầng 1, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và thoát nạn... 

Các ki-ốt hàng mã trên tầng 2. Phía dưới là các gian hàng quần áo.

Theo ông Cao Văn Sơn, Phó ban Quản lý chợ Bo, bài học xương máu về cháy chợ cách đây 15 năm vẫn chưa thể nguôi ngoai với cả những người buôn bán và anh em bảo vệ. Ông Sơn thừa nhận mặc dù công tác tuyên truyền về PCCC được làm thường xuyên nhưng vấn đề an toàn cháy, nổ vẫn chưa thật sự an toàn tuyệt đối. Ý thức chấp hành các quy định về PCCC của một số tiểu thương chưa cao, còn chiếm dụng vỉa hè, xâm phạm hành lang an toàn của công tác PCCC, căng lều bạt, mái che làm cản trở giao thông phục vụ chữa cháy.

Đức Dũng