Thứ 6, 22/11/2024, 10:30[GMT+7]

Đông Hưng: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi mùa mưa bão

Thứ 2, 07/05/2018 | 09:12:56
1,126 lượt xem
Cùng với các địa phương trong tỉnh, những ngày qua, huyện Đông Hưng đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa bão.

Kè Đồng Phú hiện đã bị sạt lở và tụt mất đá nhưng chưa được xử lý.

Qua kiểm tra, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi của huyện cơ bản ổn định, đủ khả năng chống lũ so với mực nước thiết kế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai diễn ra khá phổ biến.

Đông Hưng hiện có 23,5km đê tả Trà Lý, qua địa bàn 10 xã. Trong đó, 11,2km mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông, 10,2km đã được rải đá cấp phối nhưng hư hỏng nặng, hiện còn 2,1km chưa được cứng hóa. Trên toàn tuyến, mặt cắt đê hầu hết đã đủ cao trình, hiện còn 100m đoạn dốc vào xã Trọng Quan thấp so với thiết kế. Nền và thân đê một số đoạn xấu, thường xuất hiện mạch sủi, một số đoạn bị thẩm lậu khi lũ lớn xảy ra. Địa hình ven đê hầu hết đã được trồng tre chắn sóng, còn một số đoạn đê có bãi hẹp hoặc mái kè trùng mái đê không trồng được tre chắn sóng, khi có bão, lũ trùng hợp có thể gây sạt lở mái đê. Trên đê hiện có 23 điếm gác nước, một số điếm được xây dựng từ lâu nên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng như điếm số 7 thuộc địa phận xã Bạch Đằng, điếm số 21 thuộc địa phận xã Trọng Quan và điếm số 22, số 23 thuộc địa phận xã Đông Dương. Dọc tuyến đê tả Trà Lý hiện có 7,5km kè hộ bờ đã được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, hiện có kè Đồng Phú (xã Đồng Phú), kè An Lấp (xã Hồng Giang), kè Phương Cúc (xã Trọng Quan) đã xây dựng từ lâu, một số đoạn mái, đỉnh kè sạt lở và tụt mất đá nhưng chưa được xử lý. Hệ thống cống dưới đê hoạt động bình thường. Riêng cống Hậu Thượng, cống Đồng Bàn đang xuống cấp, đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình bố trí kinh phí sửa chữa.

Bên cạnh việc đánh giá hiện trạng, đoàn kiểm tra còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của hệ thống đê điều, công trình thủy lợi. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, nhân dân các xã ven đê đã chấp hành tốt Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. Nhiều địa phương đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết vi phạm Luật Đê điều song vẫn còn một số xã chưa giải quyết triệt để. Các vi phạm phổ biến như làm nhà, xây lắp cẩu, chất tải vật tư, vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, ngoài bãi sông, đỉnh kè. Ngoài ra, tình trạng xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn diễn ra hàng ngày làm cho mặt đê hư hỏng nghiêm trọng. Các vụ vi phạm nổi lên ở các xã: Đồng Phú, Trọng Quan, Bạch Đằng, Hồng Giang, Đông Dương... Nguyên nhân của tình trạng vi phạm trên là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số xã nơi có tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới.

Ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Qua thực tế, đoàn kiểm tra đã xác định 11 trọng điểm xung yếu cần xây dựng phương án bảo vệ như: đê Hậu Thượng, đê Hậu Trung I, đê Hoa Nam, kè Vinh Quang, kè Phương Cúc... Để bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa bão, UBND huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí tu bổ, sửa chữa những đoạn mặt đê, điếm gác nước, kè đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi hành lang công trình bảo vệ cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều, UBND huyện Đông Hưng yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ và không tái lấn chiếm. Đối với các trường hợp vi phạm, cố tình không giải tỏa, tháo dỡ thì các lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm mới. Đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều...

 Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày