Thứ 4, 24/07/2024, 08:29[GMT+7]

Thái Thượng: Sẵn sàng di dân khi có thiên tai

Thứ 4, 30/05/2018 | 08:50:39
555 lượt xem
Khi mùa mưa bão đến, đối với xã ven biển như Thái Thượng (Thái Thụy) thì phương án sẵn sàng sơ tán, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra bão, lũ là điều kiện tiên quyết phải thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người.

Khu nuôi trồng thủy sản ngoài đê biển xã Thái Thượng.

Thái Thượng là 1 trong 6 xã ven biển của huyện Thái Thụy thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Với đặc thù là xã ven biển nên địa phương có số lượng lớn người dân làm nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, thường xuyên phải sinh sống và lao động tại những khu vực nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra. 

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có 195 hộ với 198 lao động đang nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê biển trên tổng diện tích hơn 200ha. 71 hộ/248 người đang sinh sống ven sông Diêm Hộ và ven đê biển; 50 chòi canh ngao/50 lao động ngoài bãi triều ven biển; 81 hộ với 196 người sinh sống tại khu vực trong đê biển. Đây đều là những hộ nằm trong khu vực nguy hiểm buộc phải sơ tán trước khi bão, lũ xảy ra. Ngoài ra, địa phương có 92 tàu thuyền với 340 lao động khai thác thủy hải sản ngoài khơi.

Để sẵn sàng phương án di dân khi có thiên tai xảy ra, Thái Thượng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công đối với từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, phối hợp với các cụm phòng, chống thiên tai của huyện tổ chức việc di dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi ngao, các hộ sinh sống ven sông và đê biển, chủ phương tiện tàu thuyền, cam kết di chuyển, sơ tán vào khu vực an toàn trước khi thiên tai xảy ra. Kiên quyết không để trường hợp nào ở lại chòi canh, đầm nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Đối với các trường hợp không chấp hành sơ tán, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã sẽ tiến hành cưỡng chế. 

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản khu vực ngoài đê biển, thôn Các Đông cho biết: Do nằm trong khu vực nguy hiểm nên hàng năm đến mùa mưa bão địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền gia đình tôi thực hiện nghiêm việc sơ tán vào trong khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ. Xác định đây là việc làm cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính mình và người thân trong gia đình nên tôi sẽ chấp hành nghiêm khi có lệnh sơ tán của địa phương. Thực tế mấy năm gần đây ở địa phương xuất hiện nhiều cơn bão mạnh nên việc ở lại khu vực ao đầm ngoài đê biển khi có bão vào là rất nguy hiểm.

Để chủ động phòng, chống thiên tai năm 2018, bên cạnh sẵn sàng cho phương án di dân, Thái Thượng còn quan tâm, chú trọng đến công tác củng cố cơ sở vật chất và bảo vệ hệ thống đê, kè cống, bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão. Đồng thời, chuẩn bị tốt vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo chỉ tiêu huyện giao với số lượng: 5.500 chiếc bao tải, đèn pin và đèn bão 150 cái, ô tô 4 xe, thuyền máy phục vụ cứu hộ, cứu nạn 2 chiếc, 80 chiếc dao, cuốc, xẻng; trạm y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và dụng cụ cứu thương... Ngoài ra, xã đã thành lập và huấn luyện cho các lực lượng hộ đê gồm: đội canh coi đê 20 người; đội cừ sách cứu hộ, cứu nạn, di dân 35 người; đội xung kích 200 người; tổ giao thông liên lạc 4 người.

Với sự chủ động của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của người dân, tin rằng Thái Thượng sẽ hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Trần Tuấn