Thứ 3, 21/05/2024, 00:50[GMT+7]

Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Thứ 3, 19/06/2018 | 09:17:00
879 lượt xem
Với nguồn vốn hỗ trợ trên 87 tỷ đồng từ quỹ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm, 15 năm qua (2002 - 2017) đã có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gia đình khởi nghiệp thành công góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Tây An tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Năm 2002, Thái Bình được tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ 87,6 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017, trong đó có 67,6 tỷ đồng phân bổ cho các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh (Hội Người mù, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...), 20 tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh huy động để triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên và giải quyết việc làm. Theo quy định, mức vay tối đa cho một dự án đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh là 1 tỷ đồng; hộ gia đình là 50 triệu đồng với lãi suất 6,6%/năm. Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn, quản lý nguồn vốn cho vay, đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, cho vay giải quyết việc làm cho các hộ, nhóm hộ… Quá trình triển khai được thực hiện chặt chẽ ngay từ cơ sở. Các thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức họp dân bình xét đối tượng vay vốn; thường xuyên giám sát các thành viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Với cách làm này, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống đã mang lại hiệu quả rất lớn từ việc sử dụng vốn của người dân và sức mạnh đồng vốn vay.

Tại cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Tây An, xã Tây An (Tiền Hải) do bà Phạm Thị Ngắn làm chủ, từ nguồn vốn vay trên 630 triệu đồng đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho trên 7.000 lao động nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Trước đây cơ sở của bà Ngắn khó khăn về vốn, tuy nhiên nhờ đồng vốn vay giải quyết việc làm, đến nay doanh thu mỗi năm của cơ sở đã lên đến hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Chia sẻ về nguồn vốn vay, bà Ngắn tâm sự: Năm 2004, tôi mở cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại địa phương và gặp khó khăn về vốn. Với số vốn vay trên 630 triệu đồng, tôi đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Theo ông Vũ Quang Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), đến nay, toàn tỉnh có 2.920 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vay trên 86 tỷ đồng. Thời gian qua, cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm có nhiều đổi mới đã tạo sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ dân để mở rộng sản xuất, qua đó tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm xuống còn 4,01%.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ dân trong tỉnh để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, tạo việc làm tương đối lớn song nguồn vốn thì rất hạn chế. Để quản lý và phát huy hiệu quả vốn vay, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ dân, hướng dẫn, thẩm định và phân bổ nguồn vốn vay hợp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, kiểm tra, theo dõi dự án, đôn đốc dự án, hướng dẫn, tư vấn cho đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Cường