Thứ 2, 20/05/2024, 19:25[GMT+7]

Đông Hưng: Nhiều phương án phòng, chống thiên tai

Thứ 4, 20/06/2018 | 08:12:20
627 lượt xem
Để phòng, chống úng trong mùa mưa bão, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn các cống dưới đê, phương án tưới, tiêu chi tiết, cụ thể. Tổ chức kiểm tra toàn bộ các vùng úng, các trạm bơm tiêu úng để kịp thời sửa chữa các hư hỏng, bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Nông dân xã Đồng Phú (Đông Hưng) khơi thông dòng chảy.

Hiện nay đang là mùa mưa bão. Để chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, huyện Đông Hưng đang tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão xảy ra.

Hệ thống đê trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện còn nhiều điểm xung yếu: mặt cắt ngang đê một số đoạn còn nhỏ so với mặt cắt đê hoàn chỉnh, một số mặt đê nền xấu thường xuất hiện mạch sủi khi mực nước lũ xấp xỉ báo động II trở lên. Một số đoạn đê chất lượng kém thường bị thẩm lậu khi mưa lớn, trong thân đê đoạn K34+600, K41+300 có nhiều tổ mối. Một số đoạn đê có bãi hẹp hoặc mái kè trùng mái đê không trồng được che chắn sóng khi có bão, lũ trùng hợp dễ gây sạt lở mái đê. Điếm gác nước số 7, 21, 22 và 23 được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, nền điếm thấp hơn mặt đê, mái thấm dột, tường nứt. Một số kè như kè An Lập, kè Đại Đồng Tả, kè Vinh Quang, kè Phương Cúc đang xuống cấp… Đoạn đê thuộc các xã Đông Hoàng, Đông Á, Đông Huy, Đông Lĩnh chưa thi công xong. Với thực trạng các công trình đê điều của Đông Hưng như vậy, khi có bão kết hợp với mưa lớn và lũ lên cao sẽ rất khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai. 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm 2018 có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm và ảnh hưởng tới Việt Nam tương đương năm 2017. Do vậy, huyện Đông Hưng đã sớm xây dựng các phương án chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Huyện đã tổ chức hội nghị, ban hành công văn đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ban, ngành liên quan quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm chắc phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có thiên tai. Lãnh đạo 10 xã ven đê chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi vi phạm Luật Đê điều, đặc biệt là hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ. Chủ động tiêu úng cho lúa và các loại cây trồng, vật nuôi; giải quyết, khắc phục hậu quả khi có bão, lũ xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, con người… sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

Thời gian qua, huyện Đông Hưng đã tập trung nhân lực, vật lực hoàn thành xây dựng kè Cao Phú, xã Đồng Phú, hoàn thiện nâng cấp mặt đê tả Trà Lý thuộc địa phận xã Bạch Đằng, Hồng Giang, xây mới một số điếm canh, tổ chức khơi thông dòng chảy, tu sửa một số trạm bơm… 

Đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Hạt quản lý đê điều huyện, chính quyền các xã, nhất là các xã có đê thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống lập phương án xử lý kịp thời. Tham mưu cho huyện phê duyệt, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống đến các đơn vị, địa phương. Tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho các lực lượng hộ đê của 10 xã ven đê. Xây dựng phương án bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, chủ động các loại cây, con giống đặc biệt là giống lúa dự phòng để khắc phục hậu quả nếu bão, lũ, mưa úng xảy ra. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống thiên tai.

Để phòng, chống úng trong mùa mưa bão, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn các cống dưới đê, phương án tưới, tiêu chi tiết, cụ thể. Tổ chức kiểm tra toàn bộ các vùng úng, các trạm bơm tiêu úng để kịp thời sửa chữa các hư hỏng, bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa bão. 

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Với phương châm “chủ động phòng, chống từ xa” mùa mưa bão năm nay, bên cạnh việc xây dựng phương án tưới, tiêu, Xí nghiệp sẽ tuân thủ tuyệt đối quy trình đóng mở cống dưới đê, phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân thu dỡ các vật cản, giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm dòng chảy… Từng tiểu ban và các địa phương, nhất là các xã ven đê chủ động xây dựng phương án, đề ra giải pháp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chống úng cho lúa và rau màu. 

Đồng chí Nguyễn Đức Mộc, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết: Xã đã huy động những người có sức khỏe, hiểu biết về sông nước, chuẩn bị đủ 500 cây tre, luồng, 500m2 vải bạt, 2.000 bao tải, trên 100 xe cơ giới... khi có lệnh điều động ứng cứu hộ đê là có ngay.

Trạm bơm Hậu Thượng sẵn sàng bơm tiêu úng bảo vệ cây trồng.

Xây dựng các phương án cụ thể, chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực ứng phó với mùa mưa bão đã được cấp ủy, chính quyền huyện Đông Hưng quan tâm thực hiện. Song để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, người dân cũng cần tích cực vào cuộc, chủ động ứng phó với những hiện tượng cực đoan của thời tiết, thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, đặc biệt là phải chấp hành nghiêm Luật Đê điều, không xây dựng công trình, nhà cửa, chất tải vật liệu trên mặt đê, mái đê và trong hành lang bảo vệ đê, ảnh hưởng đến các công trình phòng, chống lụt, bão.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày