Thứ 2, 20/05/2024, 20:23[GMT+7]

Đông Hưng: Nông dân khổ vì ốc bươu vàng hại lúa

Thứ 3, 24/07/2018 | 08:42:12
2,424 lượt xem
Thời điểm này, lúa mùa của huyện Đông Hưng đang vào thời kỳ phục hồi sau cấy. Song nhiều ruộng bị ốc bươu vàng phá hoại, đã có một số mảnh bị mất trắng, phải dặm lại nhiều lần hoặc bừa đi cấy lại.

Nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) phun thuốc diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Đà Giang (Nguyên Xá) chứng kiến cảnh rất nhiều người dân phải đi dặm lại lúa lần thứ 3, thứ 4 vì bị ốc bươu vàng cắn phá. Những mảng lúa xanh, đan xen với những mảng mới dặm lại như một bức tranh loang lổ. Nhiều nông dân đang tranh thủ trời tạnh mưa phun thuốc diệt ốc và bắt ốc thủ công. Chỉ cần qua một đêm, hàng trăm con ốc trưởng thành sẽ cắn sạch cả mảng ruộng lớn. 

Từ khi cấy đến nay, hầu như ngày nào bà Nguyễn Thị Chín, thôn Đà Giang cũng đi kiểm tra đồng ruộng mấy lần, phun thuốc trừ ốc nhiều lần song vẫn bị ốc cắn phá tan hoang. 

Bà Chín cho biết: Nhà tôi cấy 5 sào thì cả 5 sào đều bị ốc bươu vàng cắn phá. Từ khi cấy đến nay đã phun tới 4 lần, thậm chí tôi còn dùng cả thuốc viên để diệt trừ, ốc có chết song sức sinh sản của chúng quá nhanh, sức tàn phá quá lớn khiến gia đình phải cấy lại 1 lần, dặm lại 2 lần với 90% diện tích. 

Gần đó ruộng nhà ông Mai Bình Định, ốc bươu vàng và vỏ ốc dạt đầy bờ ruộng, lúa non bị cắn gần hết, nếu không cấy lại ngay thì vụ này chắc mất mùa sớm. Cánh đồng thôn Đông Khê (Nguyên Xá), ốc bươu vàng cũng khiến nông dân mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách tiêu diệt hiệu quả, bảo vệ mùa màng. 

Ông Phan Văn Xuân, thôn Đông Khê buồn rầu cho biết: 3 mẫu ruộng của gia đình dù đã cấy bằng mạ dược, cây cứng hơn mạ nền song vẫn bị ốc phá hoại, đã tăng liều lượng thuốc lên gấp 3 lần so với khuyến cáo để phun diệt trừ song không mấy hiệu quả. Từ khi cấy đến nay, gia đình đã phun 3 lần, hết hơn 1 triệu đồng tiền thuốc kết hợp bắt thủ công mà vẫn phải dặm lại 3 lần lúa. Hiện ốc trên ruộng vẫn nhiều, chắc vẫn phải phun tiếp. 

Theo ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX DVNN xã Nguyên Xá thì nguyên nhân khiến ốc bươu vàng ở vụ này nhiều hơn nhiều vụ trước là do thời vụ quay vòng ngắn, nông dân không kịp vệ sinh đồng ruộng, từ khi vào vụ cấy đến nay liên tục có mưa vừa đến mưa to, nắng lại ít, thiếu lao động để bắt ốc thủ công. Vì thế, đầu vụ cấy và ngay sau bão số 3, HTX đã 2 lần ra thông báo tới bà con về việc diệt trừ sâu bệnh và các đối tượng gây hại, trong đó có ốc bươu vàng để bảo vệ mùa màng. Bà con nông dân cũng đã rất tích cực thăm đồng, tổ chức phun thuốc diệt ốc kết hợp với bắt thủ công bằng tay song đến nay 100% diện tích lúa của xã đều có ốc bươu vàng, trong đó một số diện tích bị ốc cắn phá phải dặm lại, cá biệt có một số thửa ruộng tại các thôn phải cấy lại.

Trên cánh đồng thôn Phong Lôi Đông (Đông Hợp), mật độ ốc bươu vàng cũng khá cao, nhiều nhất là ốc trưởng thành - cắn phá lúa nhanh nhất. 

Vừa dặm lại những cây lúa bị ốc cắn, bà Vũ Thị Lan vừa cho biết: Tôi đã phun thuốc diệt ốc bươu vàng 2 lần, lượng thuốc tăng gấp 3 lần so với khuyến cáo, phun khi trời tạnh, mực nước trên ruộng thấp vậy nhưng ốc không chết mấy, chúng cắn phá tới trên 80% diện tích. Lúc cấy tôi đã để lại mạ để khi có chuột bọ, ốc phá hoại thì dặm song ốc phá quá nhiều dặm không xuể, phải đi xin mạ của các hộ khác, không biết mạ gì dù úa vàng vẫn phải dặm xuống cho đỡ trống ruộng. Nếu ốc còn tiếp tục cắn phá chắc phải để ruộng không vì không lấy đâu ra mạ mà cấy.

Không chỉ ở Nguyên Xá, Đông Hợp mà ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đông Hưng, đặc biệt là những cánh đồng trũng, ruộng gần mương máng, ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở nhanh, gây hại lớn cho cây lúa, người nông dân đã tốn nhiều công sức, tiền của để tiêu diệt ốc nhằm cứu lúa. 

Bà Vũ Thị Nhuệ, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Việc xử lý ốc bươu vàng hiện nay đang gặp khó khăn vì liên tục có mưa, lượng nước trên ruộng lớn là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng phát triển nhanh, việc phun thuốc diệt ốc của bà con không mấy hiệu quả. Việc quan trọng cần làm ngay hiện nay là các địa phương phải nhanh chóng tiêu thoát nước cho lúa; phát động nông dân phun thuốc và bắt ốc đồng loạt. Bên cạnh đó, các hộ nông dân cũng cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, nếu thời tiết mưa thì tổ chức bắt ốc và trứng ốc bươu bằng tay còn nếu trời tạnh, tháo nước đi chỉ để xâm xấp mặt ruộng rồi phun thuốc kết hợp bắt bằng tay mới đạt hiệu quả.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày