Thứ 7, 01/06/2024, 18:32[GMT+7]

Tập trung chăm sóc cây trồng sau ngập úng

Thứ 2, 30/07/2018 | 08:19:49
985 lượt xem
Do ảnh hưởng liên tiếp của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3, những ngày qua đã gây mưa lớn, ngập úng cho nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh, vì vậy, ngay sau khi nước rút, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung khắc phục, chăm sóc lúa và cây màu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra.

Bà Nguyễn Thị Lịch, xóm 4, xã Tây Lương (Tiền Hải) chia sẻ: Gia đình tôi cấy 6 sào, một mảnh 1,5 sào cấy xong gặp mưa bị ngập, qua kiểm tra cây lúa héo đen, rễ không phát triển; một mảnh 4,5 sào đang cấy dở cũng có nguy cơ phải gieo cấy lại. Thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tôi đã kịp thời gieo mạ dự phòng để gieo cấy bổ sung bằng các giống ngắn ngày. Mong thời tiết thuận lợi để sau khi nước rút sẽ tập trung nhân lực gieo cấy.

Tại cánh đồng thuộc các thôn Vô Hối Đông, thôn Vô Hối Tây, xã Thụy Thanh (Thái Thụy), những ngày này, dù lúa đã xanh đồng nhưng không khí chăm sóc khẩn trương như đang trong mùa vụ gieo cấy. 

Gieo cấy gần 2 mẫu bằng giống lúa BC15, đến nay, gia đình bà Phạm Thị Tươi đang tập trung bón thúc cho lúa. 

Bà Tươi cho biết: Những ngày qua, mưa lớn tuy không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, phát triển của lúa bởi công tác tiêu nước kịp thời nhưng cũng làm chậm tiến độ chăm sóc, cụ thể là bón thúc cho lúa. Vì vậy, ngay sau khi tạnh mưa, tôi khẩn trương ra đồng tỉa dặm, bón thúc để lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung. 

Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Thanh cho biết: Ngay sau khi nước rút, HTX chỉ đạo bà con khẩn trương tiến hành tỉa dặm, đồng thời sử dụng một số chế phẩm phân bón qua lá như K-H, ET... để giúp cây lúa mau phục hồi; khẩn trương bón thúc với quan điểm bón tập trung, không lai rai, cân đối NPK, giảm bớt lượng phân so với vụ xuân từ 1,5 - 2kg/sào và bón tăng lượng kali ngay từ khi cây lúa đẻ nhánh để hạn chế bệnh bạc lá phát sinh và gây hại. Ngoài ra, trên đồng ruộng xuất hiện rải rác rầy lưng trắng với mật độ thấp, vì vậy để ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của bệnh lùn sọc đen, HTX đã khuyến cáo bà con tiến hành phun trừ rầy từ ngày 28 - 30/7 cho 100% diện tích gieo cấy (320ha).

Ngay sau khi tiêu nước, để bảo vệ cho 1.000ha cây màu hè thu đã trồng, trong đó có các đối tượng: dưa, bí, rau màu bị dập nát, huyện Quỳnh Phụ đã hướng dẫn các địa phương sử dụng các loại phân bón qua lá, các chất hỗ trợ sinh trưởng, thuốc kích rễ để phun. Chú ý phòng, trừ kịp thời nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại sau mưa như: bệnh lở cổ rễ, héo xanh trên ớt và dưa, bí...

Thời gian sinh trưởng của lúa mùa ngắn, vì vậy cần bón tập trung, cân đối NPK.

Ngoài tập trung các biện pháp chăm sóc, nông dân các địa phương cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh. 

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rầy lứa 5 đã bắt đầu nở trên đồng ruộng và sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Đây là nguồn rầy có nguy cơ truyền vi rút bệnh lùn sọc đen cho lúa mùa. Khi phát hiện cần phun trừ bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn; tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy ngay các khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, lá xoắn, rễ ngắn. Ngoài ra, trên trà lúa trỗ trước ngày 15/8, bà con cần lưu ý phòng, trừ đối tượng sâu đục thân hai chấm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Hướng dẫn chăm sóc bổ sung lúa mùa

* Nước tưới:

- Đối với những diện tích còn bị ảnh hưởng của mưa ngập, khẩn trương tháo rút nước, khi rút nước có thể dùng cành cây kéo lướt nhẹ trên mặt ruộng hoặc té nước để làm sạch bám bẩn, rong rêu trên lá, tăng khả năng quang hợp cho cây. Khi đã lộ phiến lá tháo cạn nước (nếu có thể) để giảm hiện tượng yếm khí, đồng thời phun ngay 1 số chế phẩm như: K-H, ET, Pennac P, siêu lân,… để kích thích ra rễ. Khi cây ra rễ trắng, hồi phục trở lại, mới được tiến hành chăm sóc.

- Đối với những diện tích ít hoặc không bị ảnh hưởng của mưa ngập: giai đoạn đầu vụ nên giữ mực nước nông 2 - 3cm để lộ mặt ruộng giúp lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung. Khi cây lúa đẻ nhánh kín đất, sau cấy khoảng 25 - 30 ngày, tháo nước để khô nẻ chân chim, sau 7 - 10 ngày và đưa nước trở lại ruộng. Công tác rút nước giai đoạn này, vừa giúp hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, vừa giúp rễ ăn sâu, cây cứng, tạo nhiều lóng đốt… làm tăng khả năng chống đổ, hạn chế sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng cho nhánh hình thành bông.

* Dặm tỉa: 

Cần chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích mạ dự phòng và mạ gieo bổ sung. Khi cây phục hồi trở lại, khẩn trương dặm tỉa những diện tích mất khoảng lớn bảo đảm mật độ. Tùy thuộc vào khả năng đẻ nhánh của từng giống, có thể giữ mật độ 25 - 35 khóm/m2 (đối với lúa cấy), 90 - 100 cây/m2 (đối với lúa gieo thẳng).

* Chăm sóc, bón phân: 

Thời gian sinh trưởng của lúa mùa rất ngắn, từ cấy đến đứng cái làm đòng xung quanh khoảng 25 - 30 ngày, do đó công tác chăm sóc lúa mùa cần khẩn trương và tập trung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua, lúa hồi phục chậm, những diện tích ít bị ảnh hưởng của mưa ngập, còn chưa được chăm sóc cần khẩn trương kết thúc việc chăm sóc ngay; trên những diện tích bị ảnh hưởng nặng cần phun hỗ trợ bằng các chế phẩm qua lá để cây phục hồi, sau đó mới tiếp tục chăm sóc.

* Đối tượng gây hại:

- Vụ mùa trên những diện tích cấy vá đồng (cấy muộn) hoặc sau khi bị ngập úng…cây lúa xanh non rất dễ bị bọ trĩ gây hại. Trĩ nhỏ, nằm ngay trên mặt lá, hút nhựa cây làm cho cây lúa còi cọc, không phát triển được, có thể dùng thuốc Actara để phun.

- Ngoài ra, ốc bươu vàng đang gia tăng mật độ, mức độ gây hại, bà con cần kiểm tra, có biện pháp phun trừ kịp thời.

- Đối với bệnh lùn sọc đen, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nếu phát hiện những cây lúa có biểu hiện bất thường như: cây thấp lùn, lá xanh đậm, lá rách hình chữ V, rễ ngắn cứng, đâm ngang... nhổ bỏ và thông báo cho HTX để có hướng xử lý. Xử lý rầy trên trà sớm, sạ sớm để phòng, chống bệnh lùn sọc đen.
                         Kỹ sư Phạm Thị Hiên
(Trung tâm Khuyến nông Thái Bình)

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày