Thứ 6, 22/11/2024, 05:25[GMT+7]

Quỳnh Ngọc: Chủ động phòng, chống lụt, bão

Thứ 4, 08/08/2018 | 08:40:44
1,461 lượt xem
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm 2018, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) đã sớm triển khai công tác phòng, chống lụt, bão đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

Lồng nuôi cá ở Quỳnh Ngọc đã được người dân chủ động gia cố hệ thống phao, dây neo trước mùa mưa bão.

Quỳnh Ngọc là xã duyên giang, nằm ở phía Tây Bắc huyện Quỳnh Phụ, diện tích khoảng 798ha với trên 10.000 nhân khẩu. Địa bàn xã có tuyến đê hữu sông Luộc chạy qua với chiều dài 3,5km. Hàng năm, trước mùa mưa bão, xã đều xây dựng, triển khai phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến nhân dân 10 thôn. 

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị tốt về nhân lực, vật tư, phương tiện, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trước mùa mưa bão năm 2018, địa phương đã chủ động kiểm tra toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê, có kế hoạch xử lý kịp thời những điểm xung yếu...

Quỳnh Ngọc là một trong những địa phương có nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển từ khá sớm. Đến nay, toàn xã có 312 lồng nuôi cá các loại của 30 hộ dân. Theo đánh giá của địa phương, đây là nghề mới, cho thu nhập cao nhưng người nuôi thường chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh, đặc biệt vào mùa mưa bão. Trước mùa mưa bão hàng năm, xã đều tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng trên sông chủ động kiểm tra, tu sửa lồng bè, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng. 

Anh Nguyễn Văn Bản ở thôn Tân Mỹ kể lại: Do chủ quan, lơ là nên trong mùa mưa bão năm 2016 gia đình tôi bị vỡ 2 lồng nuôi cá, thiệt hại kinh tế hơn 100 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang có 18 lồng nuôi cá lăng, cá diêu hồng, trong đó có gần 50 tấn cá thương phẩm, còn lại là cá giống. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu tháng 6 năm nay, gia đình tôi và các hộ nuôi cá lồng khác trên địa bàn xã đã chủ động mua thêm dây chão, mỏ neo và các vật liệu khác để gia cố lồng, thành ngăn giữa các lồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng chủ động thu hoạch những loại cá đã đạt kích cỡ thương phẩm. Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 30 tấn cá thương phẩm gồm cá lăng và cá diêu hồng. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, trong mùa mưa bão gia đình tôi thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để bảo đảm nước lưu thông và môi trường trong sạch. Sau mưa bão tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có điều chỉnh phù hợp bảo vệ sức khỏe đàn cá...

Ông Lưu Xuân Hoài, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc cho biết: Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, để chủ động phòng, chống lụt, bão, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” với 600 cây tre đánh dấu, 6.000 bao tải, 1.600 bó rào, 200 đèn soi, 1 máy phát điện, 16 xe kéo, 30 xẻng, 6 thuyền... Đối với 36 hộ, 78 nhân khẩu làm nghề nuôi cá lồng trên sông và nuôi thủy sản ngoài đê quốc gia, xã đã xây dựng phương án di dời vào nơi an toàn trong đê chính trước khi bão đổ bộ. Khi xảy ra mưa lớn kéo dài, có thể gây ngập úng, địa phương sẽ áp dụng biện pháp tiêu tự chảy kết hợp với vận hành tất cả các trạm bơm tiêu úng để bảo vệ lúa mùa và hoa màu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy...

Với sự chuẩn bị chu đáo trước mùa mưa bão, Quỳnh Ngọc sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày