Thứ 3, 05/11/2024, 22:10[GMT+7]

Tiền Hải: Phòng, trừ rầy bảo vệ lúa mùa

Thứ 4, 08/08/2018 | 08:44:25
737 lượt xem
Hiện nay, 10.201ha lúa mùa của Tiền Hải đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Tuy nhiên, những ngày qua thời tiết diễn biễn bất thường, nắng mưa xen kẽ rất thuận lợi cho đối tượng rầy các loại phát sinh gây hại trên lúa mùa. Để bảo vệ an toàn cho lúa mùa, huyện đã chủ động tuyên truyền nông dân phòng, trừ rầy các loại không để lây lan ra diện rộng.

Nông dân Tiền Hải tích cực phòng, trừ rầy.

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại đồng ruộng, rầy tuổi 1, 2 (chủ yếu là rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) đang nở rộ, mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, nơi cao 200 - 400 con/m2, cục bộ 500 - 700 con/m2, cá biệt lên đến 1.000 - 2.000 con/m2. Rầy trưởng thành nơi cao 2 - 5 con/m2, cục bộ 7 - 10 con/m2. Trong đó, diện tích cấy sớm ở một số địa phương đã xuất hiện rải rác cây lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen. Dự báo, rầy tiếp tục gia tăng, nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ phát sinh bệnh lùn sọc đen gây hại nặng cho lúa mùa. 

Trước diễn biến phức tạp đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nông dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, huyện về phòng, trừ rầy các loại; yêu cầu ngành chuyên môn thường xuyên đi cơ sở kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cách phòng, trừ sâu bệnh, đặc biệt là đối tượng rầy lưng trắng; chỉ đạo các địa phương phát động nông dân phun phòng, trừ rầy lưng trắng đối với 100% diện tích lúa mùa từ ngày 1 - 7/8; đồng thời, thực hiện tốt việc chăm sóc, điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, đúng thời kỳ để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. 

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động phối hợp với các HTX điều tiết nước phục vụ phun thuốc phòng, trừ rầy và các loại sâu bệnh khác. 

Các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, kiểm tra, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng, đặc biệt là các ổ rầy cũ của vụ trước, tiến hành phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh. 

Các HTX cung ứng đủ thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ rầy các loại; chỉ đạo tổ thủy nông tập trung điều tiết nước hợp lý phục vụ nông dân phòng, trừ rầy hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở mỗi ngày hai lần về tình hình sâu bệnh, cách phòng bệnh lùn sọc đen để nông dân nắm rõ thông tin, có giải pháp thiết thực bảo vệ lúa mùa.

Ông Nguyễn Văn A, xã Tây Lương chia sẻ: Vụ mùa năm nay gia đình tôi gieo cấy 6 mẫu. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Để diệt trừ rầy hiệu quả, tôi làm theo hướng dẫn của HTX phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, tôi kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy còn sót lại thì phun lần 2. Gia đình tôi chỉ sử dụng các loại thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành. 

Ông Bùi Văn Mỹ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Trung cho biết: Thời tiết những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh gây hại lúa mùa trong đó đối tượng rầy các loại đang gây hại có nguy cơ khiến bệnh lùn sọc đen lây lan ra diện rộng. Để bảo vệ trên 244ha lúa mùa, xã chỉ đạo nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, trong đó tập trung phòng, trừ rầy các loại; phối hợp với cán bộ ngành chuyên môn của huyện tích cực thăm đồng, kiểm tra, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng, đặc biệt là các ổ rầy cũ. Đối với những khóm lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen, khuyến cáo nông dân chủ động nhổ bỏ, xử lý mầm bệnh hiệu quả, bảo đảm không lây lan sang các diện tích khác để lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày