Thứ 2, 01/07/2024, 06:24[GMT+7]

Quỳnh Phụ không để bệnh lùn sọc đen lan rộng

Thứ 6, 10/08/2018 | 08:48:02
606 lượt xem
Đó không chỉ là khẳng định của bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ mà còn là quyết tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa, tiến tới giành thắng lợi trong vụ mùa năm nay.

Nông dân Quỳnh Phụ phòng, trừ rầy, ngăn chặn bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên lúa mùa ở một số xã như Đồng Tiến, An Mỹ, An Vinh, Quỳnh Xá, An Tràng... với tổng diện tích 100ha. 

Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại mạnh với mật độ trung bình từ 50 - 100 con/m2, diện tích nhiễm cao từ 300 - 500 con/m2, cục bộ từ 1.000 - 1.500 con/m2. Đây là nguồn rầy có nguy cơ truyền virus bệnh lùn sọc đen gây hại, làm giảm năng suất lúa mùa.

Vụ mùa năm 2018, xã Đồng Tiến gieo cấy 640ha, gồm các giống BC15, N97... Trước điều kiện đồng đất trũng và ngập úng do ảnh hưởng của mưa lớn cuối tháng 7, khi phát hiện một số diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen với đặc trưng khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, lá và rễ xoăn lại, ở những diện tích nhiễm bệnh, rầy lưng trắng phát sinh gây hại mạnh, HTX DVNN xã đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn trong huyện chỉ đạo, đôn đốc nông dân tích cực phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa. Đến thời điểm này, tại xã Đồng Tiến có khoảng 45ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng và một số diện tích nhiễm nhẹ do ảnh hưởng nguồn bệnh từ các vụ trước. 

Ông Nguyễn Duy Bá, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Do đặc điểm đồng đất địa phương nên rút kinh nghiệm từ các vụ trước, ngay từ khâu gieo mạ, HTX đã khuyến cáo và đôn đốc nông dân tích cực phun phòng, trừ rầy trước khi đưa mạ xuống đồng. Sau khi cấy xong, xã tiếp tục phát động nông dân phun trừ rầy cho 100% diện tích lúa. Thực hiện chỉ đạo của huyện, kiên quyết không để bệnh lùn sọc đen lan rộng, cấp ủy, chính quyền, HTX DVNN xã tiếp tục phát động chiến dịch phòng, trừ rầy và các loại sâu bệnh, chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung khoanh vùng, ứng cứu lúa, kiên quyết loại bỏ những diện tích bị nhiễm bệnh nặng không để lây lan. Song song với công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, HTX đã in màu và cấp 3.000 tờ rơi nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen để nông dân nâng cao nhận thức trong bảo vệ lúa mùa.

Trên cánh đồng thôn Vạn Phúc, xã An Ninh, dù chưa xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên diện tích lúa mùa nhưng chấp hành đúng chỉ đạo, hướng dẫn của xã về phòng, trừ sâu bệnh, ông Vũ Văn Diên cùng nhiều nông dân trong thôn đang tập trung phòng, trừ sâu bệnh. 

Ông Diên cho biết, vụ mùa năm nay gia đình ông cấy 8 sào lúa BC15 và nếp tam xuân, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, những ngày qua được xã khuyến cáo về bệnh lùn sọc đen nên ông đã tập trung phun phòng, trừ rầy kết hợp diệt chuột và ốc bươu vàng. 

Theo ông Diên, để ngăn ngừa bệnh lùn sọc đen phát sinh và lan rộng, ngoài làm tốt công tác bảo vệ thực vật ngay từ khâu gieo mạ, nông dân cần bám ruộng, kịp thời phát hiện những ổ dịch mới; không có tư tưởng giấu bệnh, tiếc của, kiên quyết loại bỏ những diện tích lúa nhiễm bệnh.  

Sau khi hoàn thành gieo cấy, toàn bộ 11.600ha lúa mùa của Quỳnh Phụ sinh trưởng và phát triển khá, số dảnh lúa và chiều cao cây ở mức độ trung bình. 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay khi có báo cáo của các ngành chuyên môn về 100ha lúa mùa xuất hiện bệnh lùn sọc đen, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn, đôn đốc nông dân kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện những diện tích lúa mùa bị nhiễm rầy và những diện tích xuất hiện bệnh lùn sọc đen. Phát động nông dân tập trung phun phòng, trừ rầy, tác nhân môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa. Chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp cùng các HTX DVNN chủ động điều tiết nước hợp lý, phục vụ tốt công tác chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh. Cung ứng kịp thời, đầy đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, liều lượng được sử dụng theo khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông qua hệ thống đài truyền thanh, xe lưu động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp, kỹ thuật phòng, trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để bệnh lùn sọc đen lan ra diện rộng.

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày