Thứ 7, 23/11/2024, 06:53[GMT+7]

Nuôi cá lồng trên sông - nỗi lo mùa mưa lũ

Thứ 5, 23/08/2018 | 09:06:18
2,244 lượt xem
Từ giữa tháng 7 đến nay, khi mưa bão và nước lũ từ thượng nguồn đổ về liên tục, các hộ nuôi cá lồng trên sông đứng ngồi không yên vì nỗi lo cá chết...

Các hộ nuôi cá lồng ở xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) kiểm tra, vệ sinh lưới lồng tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi.

Từ sau bão số 3 hồi cuối tháng 7 đến nay, ngày nào ông Phạm Đình Chiểu ở xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cũng phải dùng vợt vớt những con cá bị chết nổi trong lồng nuôi để tránh dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, sau mỗi đợt lũ đổ về, hiện tượng cá chết nhiều hơn khiến ông rất lo lắng. 

Ông Chiểu cho biết: Mỗi ngày có khoảng 5 - 10kg cá bị chết, nhiều hôm cá chết lên tới 20 - 30kg. Hiện nay cá lăng của gia đình đạt kích cỡ hơn 1kg/con và cá chép cũng gần 1kg/con; nếu hiện tượng cá chết cứ tiếp tục kéo dài thì có nguy cơ gây thất thu hàng tỷ đồng.

Còn gia đình ông Trần Duy Quỳnh, xã Vũ Vân (Vũ Thư) nuôi cá lồng trên sông Hồng cũng không khỏi lo lắng vì cá chết do mưa và lũ. Trước hiện tượng cá chết, để bảo vệ 32 lồng cá, ông Quỳnh rất vất vả và tốn kém chi phí để di chuyển lồng vào trong lạch và đưa cá vào ao nuôi. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, nếu duy trì lâu sẽ gặp một số khó khăn trong việc chăm sóc, bảo đảm tốc độ sinh trưởng và công tác phòng, chống dịch bệnh cho cá.

Hiện tượng cá chết trong đợt mưa bão và lũ vừa qua không riêng của hai hộ ông Chiểu và ông Quỳnh mà còn là của nhiều nông dân nuôi cá lồng trên sông Luộc, sông Hóa, sông Hồng, sông Trà Lý. 

Theo Chi cục Thủy sản, nguyên nhân cá chết là do mưa to, nước lũ thượng nguồn mang lượng lớn phù sa đổ về làm thay đổi áp lực dòng chảy và môi trường nước. Sức ép dòng chảy cộng với độ đục trên sông cao khiến sức đề kháng của cá giảm, ký sinh trùng phát sinh gây hại. Thêm vào đó, nhiều chủ hộ nuôi cá lồng còn hạn chế về kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá lồng khi thời tiết diễn biến bất thường.

Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh có 4 con sông lớn chảy qua và cho thu nhập cao. Do vậy, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn tỉnh có 525 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích nuôi 58.989m3; trong đó Vũ Thư có 71 lồng, Quỳnh Phụ có 304 lồng, Đông Hưng có 30 lồng, Hưng Hà có 86 lồng, thành phố Thái Bình có 16 lồng, Kiến Xương có 10 lồng và Tiền Hải có 8 lồng.

Ông Chiểu vớt cá chết trong lồng để tránh phát sinh dịch bệnh cho cá.

Thực tế, đây không phải lần đầu người nuôi cá lồng đối mặt với tình trạng cá chết do mưa bão và lũ. Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông hiệu quả, bền vững, người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ứng phó, thích nghi, nhất là trong mùa mưa, lũ, bão. 

Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, để giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi chậm, các hộ nuôi cá lồng cần cung cấp ôxy ngay bằng cách sử dụng máy sục khí tránh hiện tượng phân tầng nước gây thiếu ôxy tầng đáy; thường xuyên vệ sinh lồng lưới bảo đảm độ thông thoáng dòng chảy. 

Trong thời gian lũ, bão, bà con chủ động gia cố lại lồng, lưới, hệ thống dây neo, phao lồng, đặt tấm chắn chữ V phía đầu lồng để hạn chế tốc độ và áp lực dòng chảy lên lồng nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi cần tìm vị trí an toàn, kín gió, dòng chảy nhẹ để neo đậu lồng, bè. Trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió. Trong khi mưa, lũ, bão bà con giảm hoặc ngừng cho cá ăn, sau đó cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng sức đề kháng. Khi có thông tin về tình hình mưa bão, nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch ngay; không để người ở lại trên lồng, bè trong lúc bão và lũ lớn để bảo đảm an toàn tính mạng.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày