Ai được vay gói 285.000 tỷ lãi suất thấp?
Trong tháng 2, Chính phủ công bố gói tín dụng 285.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Gói tín dụng này không từ ngân sách Nhà nước mà đến từ chính các ngân hàng thương mại. Hơn chục ngân hàng đăng ký cung ứng tổng số vốn 285.000 tỷ với lãi suất thấp hơn 0,5-1% và chủ động xác định tiêu chí và giải ngân cho khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, các ngân hàng đã cho vay gần 80.000 tỷ (30% gói tín dụng) cho 47.000 khách hàng, trong đó có cả các hộ nông dân.
Một trong các nhà băng có vốn nhà nước BIDV cho biết đã hỗ trợ được hơn 28.000 tỷ trên 120.000 tỷ đăng ký. Số lượng hỗ trợ thực tế còn tuỳ thuộc sức hấp thụ của doanh nghiệp và người dân.
Trong gói tín dụng 20.000 tỷ mà ACB đăng ký, nhà băng này triển khai thành hai nhóm 5.000 tỷ và 15.000 tỷ cho các đối tượng khác nhau. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, gói tín dụng 5.000 tỷ giúp các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 thanh toán chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh như trả tiền lương cho nhân viên hay vay tiêu dùng. Gói cho vay 15.000 tỷ dành cho tất cả khách hàng hàng, gồm 13.000 tỷ cho doanh nghiệp với lãi suất tối thiểu 6.5% và 2.000 tỷ cho cá nhân với lãi suất tối thiểu 7,5%.
Theo Vụ trưởng tín dụng, đối tượng vay chính của gói tín dụng là các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và cần vốn để tăng trưởng mạnh sau khi dịch kết thúc như lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, thuỷ sản, các dịch vụ y tế, lĩnh vực điện...
Ông lý giải, nhu cầu nội địa và xuất khẩu với các sản phẩm thuộc lĩnh vực như sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thuỷ sản, thực phẩm... sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh kết thúc. Vì vậy, nguồn vốn cần tập trung vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả theo thời gian và phát triển kinh tế sau khi hết dịch. Khi đầu tư công được Chính phủ đẩy mạnh, nguồn vốn ngân hàng cũng sẽ ưu tiên dành cho các doanh nghiệp phụ trợ như sản xuất cát, sỏi, xi măng...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch vẫn được tiếp cận với gói tín dụng 285.000 tỷ với điều kiện đảm bảo khả năng trả được nợ.
Vụ trưởng tín dụng cho hay, ngân hàng bơm vốn cho các doanh nghiệp hiện hữu bị mất nguồn thu và chưa trả được nợ do ảnh hưởng của Covid-19, thuộc các lĩnh vực như du lịch, vận tải, dệt may... để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ với họ. "Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện bởi đó là nguồn vốn tự các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ khi cho vay", ông nói.
Do đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn vay mới giá rẻ từ các nhà băng cần chứng minh kết quả kinh doanh sụt giảm (doanh thu, nguồn nguyên liệu, khách hàng giảm so với cùng kỳ, kế hoạch...), mục đích sử dụng vốn và khả năng thanh toán các khoản nợ.
Phó giám đốc quản trị rủi ro tín dụng của một ngân hàng quốc doanh cho hay, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, không có đầu ra tiêu thụ, cũng không có nhu cầu vay mới để đầu tư tăng trưởng. Vì vậy, ngân hàng cấp tín dụng mới để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, thay đổi phương án sản xuất, tuy nhiên phải đánh giá, thẩm định kỹ bởi có nợ xấu thì ngân hàng tự chịu.
Ông nói: "Phía Ngân hàng Nhà nước từng đưa chủ trương, nhưng khi các ngân hàng triển khai xong như giai đoạn 2008-2009 cũng chịu sự kiểm tra rất chặt chẽ. Ngân hàng có thể cho vay mới các doanh nghiệp khó khăn tạm thời nhưng nếu bơm thêm tiền cho doanh nghiệp sức chống chịu kém, ngân hàng chịu toàn bộ rủi ro".
Như vậy, gói tín dụng từ nguồn vốn ngân hàng thương mại này không phải "cứu cánh" cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Họ cần tới các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và ngân sách nhà nước. Chính sách miễn giảm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ tối đa 12 tháng có thể hữu ích với các doanh nghiệp hơn.
Số liệu từ Vụ Tín dụng cho biết, đến nay, các ngân hàng đã giữ nguyên nhóm nợ cho 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đang xem xét miễn giảm lãi cho 36.000 khách hàng với tổng dư nợ 91.000 tỷ, chủ yếu là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, nông lâm thuỷ sản, xây dựng, kho bãi, bán buôn bán lẻ, giáo dục, công nghiệp chế biến....
Các ngân hàng không thực thi các giải pháp hỗ trợ, theo lãnh đạo Vụ tín dụng, "sẽ bị xử lý kỷ luật cán bộ". Nhưng với khối lượng lớn hồ sơ, các ngân hàng chưa thể xử lý ngay.
Ngân hàng Nhà nước cũng không thể ban hành các tiêu chí cố định xác định doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì sẽ "giới hạn và dễ bỏ sót những khách hàng được hưởng quyền lợi". Vì vậy Thông tư 01 với các cơ chế mở sẽ giúp các nhà băng chủ động cơ cấu các khoản vay, bởi ngân hàng hiểu rõ khách hàng nhất.
Lãnh đạo của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết đến giờ, hầu hết lĩnh vực đều bị tác động nên việc khoanh nhóm khách hàng bị ảnh hưởng theo từng lĩnh vực như định hướng ban đầu không còn phù hợp. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại tự đánh giá và cơ cấu khoản vay dựa trên các kết quả về doanh thu, nguồn nguyên liệu, khách hàng... khi so sánh với các tháng liền kề, so với cùng kỳ hoặc kế hoạch năm nay.
Ngoài chính sách miễn giảm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, Thủ tướng mới đây cho biết sẽ có gói tài khoá lớn hơn để hỗ trợ. Tuy nhiên, "đơn thuốc" này chưa thể được kê ngay bởi cần chờ các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh: Kiểm tra, động viên công tác quyết toán cuối năm tại một số ngân hàng 30.12.2024 | 18:44 PM
- Vũ Thư: Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 184% dự toán 11.11.2024 | 17:15 PM
- Cục Thuế tỉnh: Khen thưởng 26 doanh nghiệp có thành tích nộp thuế tiêu biểu 23.10.2024 | 14:58 PM
- Thông báo tuyển dụng 13.09.2024 | 10:36 AM
- Thành phố: Dư nợ cho vay ưu đãi tăng 6,35% 11.07.2024 | 17:11 PM
- Sacombank Thái Bình: Góp sức phát triển kinh tế - xã hội 28.04.2024 | 16:45 PM
- Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 12.01.2024 | 17:06 PM
- Năm 2024 phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.700 nghìn tỷ đồng 27.12.2023 | 19:58 PM
- Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Thái Bình: 30 năm xây dựng, đổi mới, phát triển, hiệu quả 23.08.2023 | 08:17 AM
- Triển khai hoạt động của quỹ TYM tại xã Hồng Tiến 10.07.2023 | 17:42 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng