Thứ 7, 04/01/2025, 16:37[GMT+7]

Để tín dụng chính sách thực sự là “đòn bẩy” giúp nông dân thoát nghèo

Thứ 2, 25/04/2022 | 08:14:21
13,224 lượt xem
Qua 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH, từ đó đưa tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Song Lãng (Vũ Thư).

Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ

Gia đình anh Ngô Văn Cao (xã Tây Phong, huyện Tiền Hải) hiện đang vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô gần 5 vạn con gà đẻ trứng thương phẩm. Ngoài chăn nuôi gà, anh Cao còn đào 1.600m2 ao trên tổng diện tích đất 11.000m2 để thả cá chim. Sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi của Chính phủ, gia đình anh Cao không những nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Cao chia sẻ: Chăn nuôi với quy mô lớn nên gia đình tôi cần rất nhiều vốn, nhất là tiền vốn để mua thức ăn. Chính vì thế, ngay khi được thông báo đủ điều kiện vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mừng lắm. Với sự trợ giúp của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiền Hải, Hội Nông dân xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lũ Phong, gia đình tôi đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục vay vốn. Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng và Chính phủ đã ban hành những chính sách rất phù hợp, tuy vốn vay chưa nhiều nhưng thủ tục vay lại rất đơn giản, nhanh chóng, lãi suất cho vay cũng hợp lý.

Còn đối với gia đình anh Nguyễn Văn Đảng (xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải), nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng giúp gia đình duy trì và không ngừng mở rộng mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như những năm 2010 khi mới bắt đầu trồng nấm, gia đình anh Đảng chỉ trồng ở quy mô 300m2 thì đến năm 2019 đã mở rộng thêm diện tích 800m2 đồng thời đầu tư nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất như: máy đóng bịch phôi nấm, máy đảo bông. 

Anh Đảng tâm sự: Trong quá trình sản xuất của gia đình luôn có sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là chương trình cho vay giải quyết việc làm với số vốn vay 80 triệu đồng. 

Từ nguồn vốn vay đó, gia đình anh Đảng đã tập trung phát triển mô hình trồng nấm, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, gia đình anh Đảng không chỉ bán các sản phẩm từ nấm ở trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Tuyên Quang, Sơn La; đồng thời, bán khoảng 1 - 2 vạn phôi nấm/năm cho nhân dân khắp các địa phương.

Cán bộ Ngân hàng CSXH kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đến hết tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh có 88.251 khách hàng đang vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đạt gần 3.402 tỷ đồng, tăng 2,15% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để tín dụng chính sách thực sự là “đòn bẩy” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thoát nghèo một cách bền vững, trong những năm qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vào cuộc tích cực hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn; đặc biệt là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Chính vì thế, hàng năm, ngoài nguồn vốn được trung ương cấp, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến hết tháng 3/2022, nguồn vốn ngân sách của tỉnh và huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh để cho vay đạt gần 74 tỷ đồng, trong đó quý I/2022 chuyển sang đạt gần 11 tỷ đồng. 

Sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển mô hình trồng nấm, gia đình anh Nguyễn Văn Đảng (xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải) tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Là một trong những địa phương có dư nợ cho vay ưu đãi khá cao, đạt gần 19 tỷ đồng với hơn 500 khách hàng đang vay vốn nhưng đến nay xã Đông Cơ (Tiền Hải) lại không có nợ xấu. Nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giúp xã Đông Cơ thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đông Cơ còn 1,97%, hộ cận nghèo còn 1,9%. 

Ông Bùi Xuân Đoài, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban giảm nghèo xã cho biết: Địa phương đã có chủ trương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Ban giảm nghèo xã tập trung tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ các gia đình, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ vươn lên thoát nghèo; đồng thời, rà soát, nắm bắt tình hình cụ thể của từng gia đình trước khi tổ chức bình xét cho các hộ vay vốn, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả và được thu hồi đúng hạn.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Trên cơ sở hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW và tại Thái Bình, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 36-KH/TU, UBND tỉnh ban hành văn bản 3345/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 36 của Tỉnh ủy; đồng thời, chủ động thiết lập các nguồn lực và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp để tăng nguồn lực đầu tư cho tín dụng chính sách.


 Minh Hương