Thứ 5, 09/05/2024, 17:38[GMT+7]

Tổ chức tín dụng chỉ được cử 1 đại diện mua bán vàng miếng

Thứ 4, 13/03/2013 | 08:24:38
704 lượt xem
Tổ chức tín dụng chỉ được cử một đại diện tham gia trong mỗi lần mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.

Sản phẩm của vàng miếng SJC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nội dung này nằm trong Thông tư số 06/2013/TT-NHNN nhằm hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Namon> vừa được Thống đốc ký ban hành ngày 12/3 và chính thức có hiệu lực từ ngày 13/3.

Người đại diện giao dịch, giao dịch mua, bán vàng miếng giữa tổ chức tín dụng, doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. 

Người đại diện giao dịch hợp pháp của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Mỗi tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép đăng ký tối đa 3 người đại diện giao dịch và chỉ được phép cử 1 người đại diện giao dịch theo danh sách đã đăng ký để tham gia trong một lần giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư này nhằm hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quy định tại Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg ngày 04/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước. Đối tượng được áp dụng là các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có nhu cầu tham gia giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước sẽ nộp hồ sơ đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch. 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bằng văn bản về việc xác nhận thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.

Loại vàng miếng giao dịch là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ. Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC). Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hình thức mua-bán miếng gồm mua-bán trực tiếp và mua bán qua hình thức đấu thầu theo giá hoặc đấu thầu theo khối lượng. Về quy trình, nếu mua bán trực tiếp sẽ trải qua các bước sau: Ngân hàng Nhà nước thông báo mua, bán vàng miếng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đặt cọc. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và thông báo tư cách tham gia giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp rồi thông báo giá mua, bán. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đăng ký khối lượng mua, bán. Ngân hàng Nhà nước thông báo ngừng mua, bán (nếu có) và xác định, thông báo khối lượng mua, bán với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cuối cùng là xác nhận giao dịch, thanh toán tiền và giao, nhận vàng miếng, xử lý tiền đặt cọc.

Nếu trường hợp mua, bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu thì Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng. Sau khi tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cọc, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của các đơn vị, thông báo giá mua, bán (đối với đấu thầu theo khối lượng) hoặc giá sàn và/hoặc giá trần (đối với đấu thầu theo giá). Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp phiếu dự thầu mua, bán vàng miếng để Ngân hàng Nhà nước xét thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo hủy thầu (nếu có) và công bố kết quả đấu thầu, cuối cùng là xác nhận giao dịch, thanh toán tiền và giao, nhận vàng miếng, xử lý tiền đặt cọc.

Về thời hạn thanh toán và giao vàng, Thông tư 06/2013 quy định đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng, thời hạn thanh toán tiền mua vàng chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch (T+1), thời hạn giao vàng là ngày làm việc tiếp theo ngày thanh toán đầy đủ tiền mua vàng. Đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng, thời hạn giao vàng chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch (T+1); thời hạn thanh toán là ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày giao vàng đầy đủ.

Đồng thời, căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách và diễn biến thị trường vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước có thể quyết định thời hạn giao vàng khác với thời hạn quy định nêu trên tại thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. 

Ngoài các quy định trên, Thông tư quy định xử lý tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc có liên quan của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạt động mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Nguồn Vietnam+on>

  • Từ khóa