Thứ 2, 23/12/2024, 07:50[GMT+7]

Quỹ Tín dụng nhân dân Lê Lợi: Ưu tiên vốn phát triển làng nghề

Thứ 4, 04/05/2022 | 08:59:52
3,224 lượt xem
Hoạt động trên địa bàn xã có làng nghề truyền thống chạm bạc, từ khi thành lập đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Lê Lợi (Kiến Xương) luôn ưu tiên vốn cho vay phát triển làng nghề, từ đó đóng góp tích cực vào duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Hoạt động giao dịch ở Quỹ Tín dụng nhân dân Lê Lợi.

Đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ cho vay của Quỹ TDND Lê Lợi đạt hơn 115 tỷ đồng với 381 khách hàng đang vay vốn, tăng 9,19% so với thời điểm 31/12/2021, trong đó cho vay phát triển làng nghề chiếm 70% tổng dư nợ cho vay; tổng doanh số giải ngân đạt gần 23 tỷ đồng. Nguồn vốn của Quỹ TDND Lê Lợi đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ở nông thôn đồng thời giảm tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Nghệ nhân Nguyễn Hoàn, chủ cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ cao cấp thôn Văn Hanh tâm sự: Do gia đình có truyền thống làm nghề chạm bạc nên mặc dù mới 16 tuổi tôi đã đi theo học nghề và sau 9 năm khi tay nghề đã được nâng cao tôi quyết định mở cơ sở sản xuất riêng. Những ngày đầu mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi luôn được Quỹ TDND Lê Lợi tin tưởng, tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Từ số tiền vay ban đầu hàng chục triệu đồng, sau do sử dụng vốn có hiệu quả, quy mô sản xuất ngày càng phát triển nên Quỹ TDND Lê Lợi đã nâng hạn mức tín dụng cho gia đình lên tới hàng tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm của cơ sở chuyên bán buôn cho các thị trường Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định với doanh thu hàng năm 5 - 7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động vệ tinh và 20 lao động trực tiếp với thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.  

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Lê Lợi cho biết: Để có nguồn vốn cho vay thành viên, thời gian qua, Quỹ luôn làm tốt công tác khách hàng, đổi mới tác phong, lề lối làm việc; tham gia đóng phí bảo hiểm tiền gửi, bảo đảm quyền lợi cho thành viên gửi tiền tiết kiệm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân địa phương và các xã liền kề hiểu về hoạt động của Quỹ, trên cơ sở đó tin tưởng và tham gia các dịch vụ của Quỹ. Chính vì thế, đến nay Quỹ đã kết nạp được hơn 1.400 thành viên; tổng nguồn vốn hoạt động đạt 132,17 tỷ đồng, tăng 12,09% so với thời điểm 31/12/2021; trong đó, nguồn vốn huy động trong dân cư đạt hơn 118 tỷ đồng, tăng 7,69% so với thời điểm 31/12/2021. Với nguồn vốn đó, Quỹ TDND Lê Lợi tập trung đầu tư cho phát triển làng nghề, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, buôn bán dịch vụ, phát triển trồng trọt, chăn nuôi...

Trong quá trình hoạt động, Quỹ TDND Lê Lợi luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để điều chỉnh cơ chế lãi suất cho vay phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên nhanh chóng có vốn để phát triển sản xuất. Hiện tại Quỹ đang duy trì lãi suất cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ở mức 0,5%/tháng và lãi suất cho vay thỏa thuận tiêu dùng ở mức 0,8%/tháng.

Thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn vay của khách hàng, Quỹ TDND Lê Lợi tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng cũng như lãi suất và quy trình cho vay bảo đảm tăng trưởng tín dụng bền vững; thực hiện tốt công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả...

Năm 2022, Quỹ Tín dụng nhân dân Lê Lợi phấn đấu:
- Nguồn vốn huy động tại chỗ tăng 10 - 15% so với năm 2021;
- Tổng dư nợ cho vay tăng 10 - 15% so với năm 2021;
- Tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 1% tổng dư nợ cho vay;
- Thu hút thêm 10 - 15 thành viên, vốn điều lệ tăng thêm gần 400 triệu đồng so với năm 2021;
- Lãi trước thuế đến hết năm 2022 đạt hơn 700 triệu đồng.


Minh Hương