Thứ 2, 23/12/2024, 04:29[GMT+7]

Đầu tư tín dụng - Chìa khóa giúp tăng trưởng kinh tế

Thứ 4, 20/03/2013 | 07:58:23
993 lượt xem
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức song kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng và phát triển toàn diện. Đầu tư tín dụng là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế.

Nhờ được vay vốn, ông Trần Văn Phú (thôn An Phú, xã An Bồi, huyện Kiến Xương) tăng cường đầu tư phát triển mô hình trang trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức song kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng và phát triển toàn diện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 13.558 tỷ đồng, tăng 7,82% so với năm 2011; tổng giá trị sản xuất 25.841 tỷ đồng; trong đó nông - lâm - thủy sản 6.767 tỷ đồng, công nghiệp 12.638 tỷ đồng và thương mại - dịch vụ 6.436 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục được đẩy mạnh, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đạt được các kết quả trên là do có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng đã thường xuyên kiểm soát hoạt động tín dụng, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp “nới lỏng” tín dụng, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng nhằm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Xác định công tác đầu tư tín dụng là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm 2012, ngành Ngân hàng đã mở rộng cho vay một số lĩnh vực khuyến khích như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và các dự án hiệu quả. Đến 31/12/2012, dư nợ cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 92,2% và phi sản xuất chiếm 7,8% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, toàn tỉnh đã chấm dứt tình trạng cho vay bằng vàng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2012, ngành Ngân hàng đã cho 47.767 cá nhân và hộ sản xuất vay vốn với tổng dư nợ 2.020 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn thực hiện giải ngân cho vay mới trên 3.700 tỷ đồng (trong đó cho vay khắc phục hậu quả cơn bão số 8 gần 250 tỷ đồng), cho vay luân chuyển vốn theo hạn mức gần 38,5 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với việc mở rộng cho vay một số lĩnh vực khuyến khích, năm 2012, ngành Ngân hàng còn hạ lãi suất cho vay (giảm lãi suất cho vay từ 18-20%/năm xuống còn 11-15%/năm, giúp các doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm số lãi tiền vay gần 145 tỷ đồng) và áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn (tối đa 12%/năm, riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tối đa 13%/năm) đối với một số lĩnh vực như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 4.861 tỷ đồng, cho vay phục vụ xuất khẩu 203 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 1.170 tỷ đồng và cho vay công nghiệp hỗ trợ 25 tỷ đồng. Riêng các  lĩnh vực ưu tiên được một số tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay khá thấp, cụ thể: Ngân hàng Công Thương cho vay tạm trữ từ 9 - 12%/năm, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho vay xuất khẩu 9%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay xuất khẩu 10%/năm và cho vay tín dụng đầu tư từ 3 - 4,2%/năm...

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn thực hiện các biện pháp điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ, đồng thời hoãn thu lãi, giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất tạm thời gặp khó khăn về tài chính. Thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Quyết định 783 ngày 21/05/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho 1.144 khách hàng với tổng dư nợ 214,7 tỷ đồng, giảm lãi suất tiền vay cho 14 khách hàng, hoãn thu lãi 5 khách hàng... Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho trên 96.000 lượt khách hàng với tổng doanh số cho vay hơn 8.600 tỷ đồng.

Bằng nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động tín dụng, ngành Ngân hàng đã có đóng góp quan trọng trong việc duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đến 31/12/2012, tổng doanh số cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đạt 42,2 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 24,27 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2011, tăng 7,8% so với kế hoạch, cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng trưởng dư nợ chung toàn quốc. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 21,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,3% và thương mại - dịch vụ chiếm 44,8% tổng dư nợ cho vay; tỷ lệ nợ xấu được khống chế ở mức 1,6%. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2013, ngành Ngân hàng phấn đấu dư nợ cho vay tăng từ 12% trở lên so với năm 2012, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ, chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất vay vốn ngân hàng; mở rộng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển trang trại quy mô lớn... Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tập trung rà soát, tiết giảm chi phí, tạo cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đồng thời tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tạo môi trường thuận lợi cho ngành Ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, từ đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

  Bài, ảnh:  Minh Hương

  • Từ khóa