Thứ 2, 23/12/2024, 04:14[GMT+7]

Thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi

Thứ 2, 01/04/2013 | 08:35:14
1,288 lượt xem
Giai đoạn 2003-2012, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kiến Xương đã cho 99.441 lượt hộ nghèo được vay vốn theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ với tổng dư nợ 73.346 triệu đồng, chiếm 28,5% tổng dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%; doanh số cho vay đạt 223.170 triệu đồng. Nhờ được vay vốn ưu đãi, 1.514 hộ gia đình ở Kiến Xương đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 16,8% (năm 2003) xuống còn 8,68% (năm 2012).

Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình ông Phạm Văn Mẫn (thôn Nam Đường Tây, xã Nam Cao) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Lê Lợi, năm 2005, ông Đặng Đình Hiển - hội viên Hội Nông dân xã đã được NHCSXH huyện cho vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo. Ông Hiển cho biết: Với số tiền đó, ông dùng để phát triển chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt hướng nạc. Sau ba năm vay vốn, với số tiền thu được do bán sản phẩm, ông Hiển lại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông không những thoát nghèo, ổn định kinh tế mà còn tạo thêm được việc làm cho 5 - 8 lao động. Cùng hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Hiển, gia đình bà Phạm Thị Tròn - hội viên chi hội nông dân thôn Đức Chính (Nam Bình) có 6 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 lao động chính, còn lại là mẹ già và 3 con nhỏ, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa mà không có nguồn thu nào khác.

 

Năm 2002, nhờ có Nghị định số 78, gia đình bà Tròn đã được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đức Chính do Hội Nông dân xã quản lý cho vay 5 triệu đồng đào ao thả cá. Với số tiền lãi thu được hàng năm, ngoài việc trả hết nợ, bà Tròn còn tiếp tục tái đầu tư xây thêm 5 ô chuồng chăn nuôi lợn. Nhờ đó, đến nay gia đình bà Tròn đã có nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ. Còn đối với gia đình ông Phạm Văn Mẫn (thôn Nam Đường Tây, xã Nam Cao), nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo như “phao cứu sinh” giúp gia đình ông trong lúc khốn khó nhất. Sinh ra trong một gia đình có đông anh em, lại không có việc làm, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2005, ông Mẫn đã nhận 2,3 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả của xã để phát triển chăn nuôi tổng hợp. Nhắc lại, ông Mẫn tâm sự: “Thời kỳ đó, chỉ với 12 triệu đồng vay từ NHCSXH và một số ít vay mượn thêm nên không đủ để cải tạo vùng đất vừa chua vừa trũng. Chính vì thế, ban đầu gia đình tôi chỉ trồng chuối bao quanh còn bên trong vẫn phải cấy lúa mặc dù năng suất chẳng được là bao”. Phải mất mấy năm, gia đình ông Mẫn mới đào ao, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, ông Mẫn thường xuyên nuôi 100 con gà, 150 con lợn nái, lợn siêu nạc và các loại cá truyền thống với số lãi trung bình thu được trên 100 triệu đồng/năm.

 

Đó là ba trong số hơn 1.500 hộ gia đình ở Kiến Xương đã thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ gia đình đã tập trung phát triển kinh tế gia trại, trang trại tập trung, trong đó chủ yếu là chăn nuôi các loại con mang lại hiệu quả kinh tế cao như: bò, lợn, gia súc, gia cầm; phát triển nghề và làng nghề (mây tre đan Thượng Hiền, chạm bạc Lê Lợi, Hồng Thái, dệt đũi Nam Cao...). Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Ngay sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, Phòng giao dịch NHCSXH huyện còn tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương nhằm đưa vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên quan tâm đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ. Tuyên truyền các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo, làm cầu nối giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn để khai thác tốt sức mạnh của tập thể, giúp nhau trong sản xuất.

 

Giai đoạn 2013 - 2015, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tập trung cho vay vốn tín dụng ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, phấn đấu đưa vốn tín dụng ưu đãi đến 100% hộ nghèo trong toàn huyện. Tuy nhiên, để việc thực hiện Nghị định số 78 ở Kiến Xương ngày càng có hiệu quả hơn, các cấp, các ngành cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng thực hiện việc điều tra, phân loại hộ nghèo, cận nghèo theo quy định được chính xác để Phòng giao dịch có định hướng cho vay đúng mức, đúng đối tượng, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời khắc phục những tồn tại, sai sót để phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Chính phủ.

 

Bài, ảnh: Minh Hương

 

  • Từ khóa