Thứ 3, 23/07/2024, 08:23[GMT+7]

Sẽ tăng vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước lên 10.000 tỷ đồng

Thứ 3, 09/04/2013 | 08:35:27
872 lượt xem
Vốn pháp định của NHNN dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng; quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cũng được tăng gấp đôi mức trích

Ngân hàng Nhà nước trích nộp ngân sách nhà nước theo hình thức tạm nộp bằng 60% chênh lệch thu, chi thực tế của quý, phần còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước sau khi báo cáo quyết toán tài chính năm đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của Bộ Tài chính, mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước là 10.000 tỷ đồng.

 

Vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước được hình thành từ nguồn vốn hiện có đến thời điểm 31/12/2012 và các nguồn vốn được bổ sung hàng năm.

 

Ngân hàng Nhà nước được sử dụng vốn pháp định để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

 

Hàng năm Ngân hàng Nhà nước được trích 20% từ chênh lệch thu, chi để bổ sung Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

 

Mức tối đa của Quỹ này không vượt quá mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp số dư của Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý phần còn thiếu.

 

Số dư của Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đã trích từ khi có Nghị định số 100/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ được chuyển thành số dư đầu của Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia được trích lập theo Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg.

 

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 10 Chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg.

 

Hàng năm Ngân hàng Nhà nước được trích 10% từ chênh lệch thu, chi để bổ sung Quỹ dự phòng tài chính. Mức tối đa của quỹ này không vượt quá 25% vốn pháp định.

 

Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp các tổn thất, thiệt hại, chênh lệch chi lớn hơn thu hàng năm (nếu có), Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý phần còn thiếu.

 

Theo quy định, Quỹ dự phòng tài chính được sử dụng: Bù đắp phần còn lại những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình hoạt động sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng rủi ro trích lập trong chi phí; Bù đắp khoản chênh lệch chi lớn hơn thu hàng năm (nếu có) do ảnh hưởng từ hoạt động điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; Sử dụng cho các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

 

Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật, sử dụng cho mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế.

 

Đối với Quỹ Dự phòng rủi ro, Ngân hàng Nhà nước được lập khoản dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% chênh lệch thu chi năm chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro.           

 

Số dư khoản dự phòng rủi ro không vượt quá số phải trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

 

Số dư của khoản dự phòng rủi ro đã trích từ khi có Nghị định số 100/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ được chuyển thành số dư đầu của khoản dự phòng rủi ro được trích lập theo Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg.

 

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ban hành quy định pháp lý để xác định số phải trích lập dự phòng rủi ro hàng năm và chỉ được trích lập khoản dự phòng rủi ro này khi có đủ cơ sở pháp lý.

 

Trong trường hợp số dư khoản dự phòng rủi ro cao hơn số phải trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng Nhà nước phải hạch toán khoản chênh lệch giữa số dư khoản dự phòng rủi ro và số phải trích vào doanh thu trong kỳ.

 

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy chế quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại Điều 9 Chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg.

 

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước đầy đủ và kịp thời toàn bộ số chênh lệch thu chi phải nộp theo quy định.

 

Theo đó, hàng quý, Ngân hàng Nhà nước trích nộp ngân sách nhà nước theo hình thức tạm nộp bằng 60% chênh lệch thu, chi thực tế của quý, phần còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước sau khi báo cáo quyết toán tài chính năm đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Việc tạm nộp được thực hiện trong 10 ngày đầu của quý tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm nộp ngân sách nhà nước cao hơn mức 60% số chênh lệch thu chi thực tế của quý trên cơ sở đảm bảo số tạm nộp trong năm không vượt quá chênh lệch thu chi phải nộp cả năm.

 

Kết thúc năm tài chính, trong thời gian 10 ngày kể từ khi báo cáo quyết toán tài chính năm được Thống đốc phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số chênh lệch thu chi tài chính phải nộp hàng năm theo số liệu quyết toán.

 

Số chênh lệch thu chi tài chính năm phải nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng Nhà nước sẽ được xác định chính thức theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp số đã nộp cao hơn số phải nộp theo kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước thì số chênh lệnh nộp thừa sẽ được trừ vào số phải nộp của năm sau.

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15  tháng 8 năm 2013 và áp dụng từ năm tài chính 2013, thay thế Thông tư số 35/2006/TT-BTC ngày 20/4/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn vov.vn

  • Từ khóa