Thứ 3, 23/07/2024, 08:23[GMT+7]

Quỳnh Phụ Hiệu quả từ vốn vay xóa đói giảm nghèo

Thứ 3, 16/04/2013 | 07:51:07
1,178 lượt xem
Sau 10 năm (2003 - 2013) thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nhu cầu vay của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, bảo đảm an sinh xã hội đồng thời giúp Quỳnh Phụ đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Mô hình gia trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Quý Sơn, xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ)

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Dư, thôn Khả Lang, xã Quỳnh Châu rất nghèo. Vợ chồng chị có 2 con, do hoàn cảnh khó khăn, chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, chồng lại thường xuyên đau ốm nên các cháu chỉ học hết cấp 2 phải ở nhà phụ giúp mẹ. Chị kể: “Giữa lúc khó khăn chồng chất, may mắn thay, gia đình đã được Hội Phụ nữ xã phổ biến chính sách tín dụng của Nhà nước cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, ngay lập tức vợ chồng tôi liền đăng ký vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, với số tiền 7 triệu đồng. Cùng với số tiền vay của anh em trong gia đình, tôi đã đầu tư nuôi 3 con trâu, đến nay số trâu trong chuồng đã tăng lên 20 con. Trừ chi phí, thu lãi mỗi năm 30-40 triệu đồng, không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa như trước nữa”.

 

Lập gia đình riêng với hai bàn tay trắng, mười mấy năm vợ chồng anh Nguyễn Quý Sơn, thôn An Khoái, xã Quỳnh Sơn mưu sinh bằng nghề nông với 5 sào ruộng. Hành trình thoát nghèo của gia đình anh bắt đầu từ năm 2004, khi anh nhận được nguồn vốn vay 7 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình cho vay hộ nghèo, thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã. Anh đã mạnh dạn vay thêm bạn bè để dồn đổi ruộng, đầu tư vốn chuyển đổi hơn 5.000 m2 nuôi trồng thủy sản. Nhờ chịu khó, chí thú làm ăn, đến nay, gia trại của gia đình anh có 15 con lợn nái ngoại siêu nạc, 3 đàn lợn con, 50 lợn thịt và gần một mẫu ao  thả các loại cá truyền thống, mỗi năm mang lại cho gia đình khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Hỏi về bí quyết thành công của mình, anh Sơn cho biết: “Chỉ cần mình ham học hỏi, chịu khó, kiên trì. Nhà nông làm kinh tế ít vốn, điều quan trọng là phải biết cách lấy ngắn nuôi dài và đặc biệt không được nản chí, càng thất bại tôi càng quyết tâm, yêu nghề hơn”.

 

Không riêng trường hợp của chị Dự, anh Sơn, từ năm 2003 đến nay, huyện Quỳnh Phụ đã có hơn 13.000 hộ thoát nghèo, 18.145 hộ nghèo cải thiện đời sống; thu hút và tạo việc làm mới cho 11.126 lao động; hỗ trợ 29 lao động thuộc diện đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; xây mới 458 ngôi nhà; 5.259 công trình nước sạch, 4.935 công trình vệ sinh được xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 7,37%. Điều đáng mừng là từ những chương trình tín dụng của NHCSXH Quỳnh Phụ đã trở thành động lực để các hộ nghèo, gia đình chính sách phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ 3 chương trình cho vay với tổng dư nợ trên 26 tỷ đồng vào năm 2003, đến nay NHCSXH Quỳnh Phụ đã triển khai thực hiện cho vay 6 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 298,265 tỷ đồng, cho 16.752 khách hàng vay. Điều này cho thấy, thời gian qua, hoạt động của NHCSXH ngày càng phát triển, mở rộng về chương trình thực hiện, đối tượng thụ hưởng và quy mô vốn đầu tư cho hộ nghèo, đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

 

Chị Phạm Hải Yến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Hải phấn khởi cho biết: Cách đây 10 năm, đời sống của nhân dân trong xã nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, vay được 1 đến 2 triệu đồng để bà con làm ăn là điều rất khó. Chính nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện đã mang lại sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này. Nếu như năm 2003 chỉ có 98 hộ gia đình hội viên được vay vốn với số tiền 305 triệu đồng thì đến năm 2012 đã có 272 hộ được vay với dư nợ gần 3,85 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi, phát triển nghề làm bánh đa… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ khá, giàu không ngừng tăng, số hộ nghèo giảm đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

 

Hiệu quả từ chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, nguồn vốn cho vay còn hạn chế, mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp, việc bình xét cho vay còn dàn trải, chia nhỏ… Để nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả cao đòi hỏi công tác điều tra đánh giá hộ nghèo cần phải đúng với thực tế. Qua đó, nguồn vốn của NHCSXH không chỉ góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa