Chủ nhật, 22/12/2024, 19:29[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ 4, 01/05/2013 | 07:44:53
888 lượt xem

Giao dịch của cán bộ Ngân hàng Chích sách xã hội huyện Vũ Thư tại xã Minh Quang. Ảnh: Thành Tâm

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

 

Ngay khi Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 được ban hành, cùng với việc tổ chức hội nghị triển khai tới các tổ chức tín dụng trong toàn ngành, ngành Ngân hàng còn tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức hội nghị giữa ngân hàng với các sở, ngành chức năng để phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, thủ tục vay vốn, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý nợ...

 

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn xây dựng chương trình hành động số 06 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh. Một trong những giải pháp hàng đầu được ngành Ngân hàng khẩn trương thực hiện đó là điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vốn phục vụ sản xuất, mở rộng các lĩnh vực cho vay, đồng thời khuyến khích cho vay phục vụ an sinh xã hội.

 

Giai đoạn 2011-2012, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng bình quân 20,5%/năm. Đến 31/3/2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 24.300 tỷ đồng; trong đó cho vay phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,2%; công nghiệp, xây dựng chiếm 32% và dịch vụ chiếm 45,8% tổng dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 5 - 7%/năm (từ 18 - 20%/năm xuống còn 11 - 15%/năm), giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm số lãi tiền vay gần 145 tỷ đồng. Đến 31/3/2013, mặt bằng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh phổ biến từ 12% - 14%/năm, giảm 1 -  1,5%/năm so với cuối năm 2012, giúp khách hàng giảm lãi suất tiền vay khoảng 20 tỷ đồng. Toàn ngành tăng cường đầu tư cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên 10.200 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng dư nợ cho vay, với trên 265.000 khách hàng còn dư nợ.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngành Ngân hàng đã cho trên 50 nghìn cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn 70 xã điểm xây dựng nông thôn mới vay vốn dư nợ đến ngày 31/3/2013 đạt 2.037 tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh. Ngoài ra, toàn ngành còn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Nợ xấu đến ngày 31/3/2013 được khống chế ở mức 1,7%.

 

Cùng với việc điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2012, hoạt động ngoại hối của hệ thống Ngân hàng Thái Bình cũng có nhiều đổi mới, góp phần tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi trong hoạt động thanh toán xuất - nhập khẩu của các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Giai đoạn 2011 - 2012, doanh số thanh toán xuất - nhập khẩu qua hệ thống ngân hàng đạt 929 triệu USD, doanh số mua bán ngoại tệ đạt 1.727 triệu USD. Toàn tỉnh có 53 đơn vị (11 ngân hàng thương mại, 40 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 2 tổ chức kinh tế) thực hiện nghiệp vụ chi trả kiều hối với tổng giá trị 123,8 triệu USD, tương đương gần 2.600 tỷ đồng.

 

Với sự nỗ lực của mình, ngành Ngân hàng đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 của Chính phủ, góp sức cùng các cấp, các ngành trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tỉnh đạt 13.558 tỷ đồng, tăng 7,82% so với năm 2011; tổng giá trị sản xuất 25.841 tỷ đồng, trong đó nông, lâm, thủy sản 6.767 tỷ đồng, công nghiệp 12.638 tỷ đồng và dịch vụ 6.436 tỷ đồng.

 

Thời gian tới, ngành Ngân hàng tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng thực hiện đa dạng hóa các phương thức cho vay, chủ động điều chỉnh cơ cấu đầu tư, đồng thời tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Minh Hương

 

  • Từ khóa