Chủ nhật, 22/12/2024, 21:42[GMT+7]

Giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ 13/5

Chủ nhật, 12/05/2013 | 16:56:31
661 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giảm hàng loạt lãi suất điều hành thêm 1% từ 13/5. Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn ở một số lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm 1% so với trước.

Ảnh minh họa

Theo công bố của NHNN, từ ngày 13/5, các lãi suất chủ chốt được coi là công cụ điều hành lãi suất của cơ quan này sẽ giảm so với trước 1 điểm phần trăm. Cụ thể, các lãi suất như: Tái cấp vốn còn 7%, tái chiết khấu còn 5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng còn 8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng một số lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ DN vừa và nhỏ, công nghệ cao sẽ giảm từ 11% về 10%.

 

Sau quyết định này, NHNN cũng thể hiện rõ mong muốn sẽ tạo lập được một mặt bằng lãi suất cho vay mới với mức lãi suất phổ biến là 13%/năm.

 

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Sẽ tiếp tục có những điều chỉnh giảm các mức lãi suất cho vay cũ về mức mới là khoảng 13%. Trong điều kiện đó, có thể hiệu quả kinh doanh của các NHTM sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự chia sẻ đối với nền kinh tế và những người vay vốn”.

 

Dù cắt giảm hàng loạt các lãi suất điều hành, nhưng lần này, NHNN lại không giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện đang ở mức 7,5%/năm. Lý do này được giải thích là nhằm bảo vệ lợi ích cho người gửi tiền.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho rằng: “Kỳ vọng lạm phát năm nay có thể ở khoảng 6,5-7%, cho nên mức trần lãi suất huy động ngắn hạn ở mức 7,5%/năm vẫn được duy trì là nhằm bảo đảm lợi ích cho người gửi tiền. Đây cũng là mức tương đương với năm 2005-2006 khi mà nền kinh tế đang hoạt động rất ổn định”.

 

Còn với mặt bằng lãi suất cho vay ra khoảng 13% mà NHNN nhắm đến cũng là mức tương đương với lãi suất những năm 2004-2005, thời kỳ nền kinh tế được coi là ổn định. Nhưng đã có ý kiến thẳng thắn cho rằng: Lãi suất không phải là tất cả, quan trọng nhất vẫn là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Tú, TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Namon> – BIDV: “Lãi suất cho vay cũng chỉ đóng một phần. Trên thực tế, các NH cũng đã rất nỗ lực để đưa lãi suất về rất sâu như hiện nay. Và hiện giờ là đã bằng với lãi suất 2004, năm mà có lãi suất rất thấp, nhưng các DN vẫn chưa có khả năng hấp thụ được vốn. Nguyên nhân chính là tiêu thụ sản phẩm chậm, đầu ra bế tắc, phương án kinh doanh không hiệu quả. Bởi vậy cần phải có sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp chứ không thể trông chờ mãi vào chính sách tiền tệ được”.

 

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố trung tuần tháng tư, có tới 73% doanh nghiệp phản hồi cho rằng, hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại. Bởi vậy, khi dư địa giảm lãi suất không còn nhiều thì vấn đề quan trọng cần phải được tháo gỡ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, đó là giải quyết được hàng tồn kho.  

Nguồn vtv.vn

  • Từ khóa