Thứ 6, 22/11/2024, 22:36[GMT+7]

Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động

Thứ 6, 17/03/2023 | 17:31:53
1,162 lượt xem
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1 - 0,65%/năm.

Ảnh minh họa.

Nhóm giảm lãi suất huy động đầu tiên là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước với mức giảm thêm 0,2% với tiền gửi 12 tháng. Sau đó nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm theo, chủ yếu ở kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, hiện dao động từ 7,2% - 9%/năm, tương đương giảm thêm từ 0,1 - 0,6% tuỳ kỳ hạn.

Việc giảm lãi suất tiền gửi cũng được nhận định là giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, hướng tới mục tiêu quan trọng hơn là giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với việc điều chỉnh giảm lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang tính toán các phương án để cố gắng tiết giảm chi phí giúp việc giảm lãi suất cho vay được thực chất, tới được tay các doanh nghiệp cần hỗ trợ.

Có hơn 30 nghìn tỷ đồng dư nợ đang cho vay các lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Vietcombank đang lên kế hoạch để giảm trực tiếp lãi suất cho các khoản vay mới theo đúng quy định. Không chỉ cho lĩnh vực ưu tiên, việc giảm lãi suất lần này cũng được nhận định có thể lan tỏa tới nhiều nhóm ngành khác kể cả bất động sản, nhất là đối với các dự án có phương án vay vốn khả thi, đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đến đầu tháng 3, tín dụng tăng khá chậm, mới chỉ 1,1%. Nếu mặt bằng lãi suất được kéo giảm, sẽ kích thích nhu cầu vốn cho đầu tư, chi tiêu.

"Động thái hạ lãi suất điều hành lần này sẽ thúc đẩy xu hướng hạ lãi suất. Giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về khả năng thanh toán và tăng khả năng hoàn trả khoản vay cho ngân hàng. Kể cả trong tình hình kinh tế vĩ mô như hiện nay, bước đi này cũng là hợp lý. Việt Nam sẽ có lợi thế khi cho thấy được sự ổn định trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, điều này sẽ đảm bảo sự tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới", ông Dmytro Kolechko - Giám đốc Khối quản trị rủi ro, VPBank nhận định.

Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động - Ảnh 2.

Giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, chính sách lãi suất, tiền tệ vẫn cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách khác, để giúp khơi thông dòng vốn trên thị trường. Có như vậy mới đảm bảo đồng thời cả mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

"Cần phối hợp tốt hơn tốt hơn nữa, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo mặt bằng vừa ổn định và có thể tiếp tục giảm như chúng ta đã và đang kỳ vọng. Chính phủ chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là những rào cản pháp lý đối với bất động sản, đất đai, xây dựng, đấu thầu nó làm tăng chi phí, trong đó có cả chi phí cơ hội cho doanh nghiệp và người dân", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý không thể chủ quan với lạm phát vì đỉnh lạm phát phải chờ hết quý I mới hạ nhiệt.

Theo vtv.vn