Thứ 5, 26/12/2024, 20:26[GMT+7]

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 8,6%/năm

Thứ 5, 13/04/2023 | 14:59:06
1,625 lượt xem
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng tiếp tục giảm mạnh đối với nhiều kỳ hạn.

Ảnh minh họa.

Trong đó, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vốn là ngân hàng luôn dẫn đầu về lãi suất huy động trong hệ thống thì nay lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng đã giảm mạnh từ 9%/năm hồi tuần trước xuống còn 8,2%/năm.

Lãi suất cao nhất tại SCB cũng giảm còn 8,25%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền online kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng thay vì mức 9%/năm áp dụng đồng loạt cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như trước.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng xuống dao động từ 7,8-8,4%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng trước là 9,1%/năm, cao nhất tại ngân hàng này, nay giảm còn 8,6%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) cũng có bước giảm tương tự. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng tại ngân hàng này giảm 0,5%/năm xuống còn 7,2-7,7%/năm.

Trong khi tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng giảm 0,2%/năm, hiện dao động từ 7,9-8,4%/năm tùy theo số tiền gửi.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) còn giảm mạnh đến 1%/năm, đưa lãi suất huy động kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng xuống còn 6,9-7%/năm; các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng giảm 0,5% xuống còn 5%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất cao nhất là 9,3%/năm tại ngân hàng này vẫn không đổi, áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng từ 500 tỷ đồng trở lên.

Trong khi đó, lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn giữ ổn định. Lãi suất cao nhất ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, lãi suất ở mức 5,8%/năm, riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm.

Tính đến sáng 13/4, lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng đang là 8,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank); 8,5%/năm tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank); 8,4%/năm tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)...

Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất hiện áp dụng là 8,4%/năm tại Kienlongbank; 8,3%/năm tại VietBank; 8,2%/năm tại BacABank; 8%/năm tại Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (Oceanbank)...

Đối với kỳ hạn dài hơn, lãi suất trên 9%/năm vẫn được một số ngân hàng áp dụng, dù vậy để được hưởng lãi này, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện đi kèm. Như tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất huy động cao nhất hiện là 9,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng nếu khách hàng gửi tiền từ 300 tỷ đồng trở lên; hay tại OCB, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng có thể lên tới 9,3%/năm khi khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng; DongABank cũng áp dụng mức lãi 9,3%/năm cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng...

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết ngay từ đầu năm, OCB đã tích cực thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất huy động nhiều kỳ hạn, nhằm giảm giá vốn đầu vào. Qua đó, OCB đã có nguồn vốn khá dồi dào với mặt bằng lãi suất "hạ nhiệt", thúc đẩy hoạt động cho vay trong quý I vừa qua. So với cuối năm 2022, lãi suất huy động tại ngân hàng này đã giảm khoảng 1%/năm.

"Tiếp tục trong quý II, OCB sẽ thúc đẩy hoạt động huy động vốn giá thấp để tạo nguồn cho vay dân cư và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cân đối vừa đảm bảo nguồn vốn giá rẻ để ngân hàng cho vay ra nhưng cũng vừa đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền", ông Hương chia sẻ.

Nhận định xu hướng lãi suất, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng sẽ không nhiều.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08-0,1 điểm phần trăm trong quý này và giảm nhẹ 0,19-0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược với kỳ điều tra trước khi hầu hết các tổ chức tín dụng từng dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong cả năm 2023.

Các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 3,2% trong quý II/2023 và tăng 9,2% trong năm 2023.

Theo vtv.vn