Thứ 4, 25/12/2024, 21:20[GMT+7]

'Big 4' ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm

Chủ nhật, 25/06/2023 | 15:40:53
2,191 lượt xem
Các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, mức giảm lên tới 1% một năm.

Ảnh minh họa.

Trong tuần qua, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,5% đến 1% với tất cả kỳ hạn.

Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy và online tại nhóm "Big 4" hiện chỉ còn 6,3%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, đã giảm hơn 0,5-0,7 % so với tháng 5.

Với các khoản tiền gửi ngắn hạn hơn, khách hàng gửi 1 tháng chỉ còn được trả 3,4% khi giao dịch tại quầy và khoảng 4% nếu gửi trực tuyến. Mức lãi suất tiền gửi 3 tháng xoay quanh 4,1-4,5% một năm. Còn mức lãi suất gửi 6 hoặc 9 tháng là 5-5,5% một năm.

VietinBank là ngân hàng quốc doanh điều chỉnh mạnh tay nhất với mức giảm lên tới 1%, đặc biệt với các khoản tiền gửi từ 9 tháng trở xuống. Lãi suất khi gửi online tại nhà băng này cũng không còn được ưu đãi so với tại quầy như trước.

Còn với nhóm nhà băng tư nhân, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh từ 0,1% đến 1%, giảm mạnh ở kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Lãi suất niêm yết cao nhất tại một số nhà băng tư nhân lớn hiện chỉ còn quanh ngưỡng 7% một năm, như tại ACB, VIB, TPBank, Sacombank, VPBank (khoản tiền dưới 1 tỷ đồng).

Động thái giảm lãi suất diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà giảm giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng và một loại lãi suất điều hành vào ngày 16/6. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng và lần thứ ba trong năm nay Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng, xuống 4,75% một năm.

Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay. Quyết định này được đưa ra theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế vẫn ảm đạm khi mới đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,2% so với cuối năm 2022. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng tăng trưởng chỉ mới được 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước cấp. Còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ mới đạt một nửa "room" được giao.

Theo vnexpress.net