Thứ 6, 22/11/2024, 20:38[GMT+7]

Vốn tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững

Thứ 2, 24/07/2023 | 08:38:15
2,157 lượt xem
Với ưu điểm nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, mức vay có thể lên tới 100 triệu đồng không cần thế chấp nên thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành điểm tựa quan trọng, tạo đòn bẩy giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Vốn tín dụng chính sách giúp phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Minh Tân (Đông Hưng).

Chính sách nhân văn

Trước đây, gia đình anh Đào Xuân Huy (thôn Đình Phùng, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình) ở trong căn nhà 1 tầng rất chật chội. Anh tâm sự: Bố tôi mất sớm, mẹ cấy 4 sào ruộng, bản thân tôi chỉ làm công nhân ở một công ty nên thu nhập của gia đình còn nhiều hạn chế, không có điều kiện xây mới nhà để ở. Chính vì thế, khi được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh tạo điều kiện cho vay 470 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở xã hội, lãi suất cho vay 4,8%/năm, thời gian vay 20 năm, gia đình tôi phấn khởi lắm bởi với số tiền phải trả hàng tháng chỉ 3 triệu đồng (cả gốc và lãi) nên không gây nhiều áp lực cho gia đình. Từ nguồn vốn vay đó cộng với số tiền tích lũy được, gia đình tôi đã xây được nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 92.792 người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6/2023 đạt hơn 3.993 tỷ đồng, tăng 6,23% so với thời điểm 31/12/2022. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đang triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách với hệ thống hoạt động gồm 260 điểm giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn; 2.718 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 100% thôn, khu phố với 93.661 tổ viên đang dư nợ. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tích cực triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất như: cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền đã giải ngân đạt 1.775 triệu đồng cho 8 khách hàng vay vốn; cho vay 4 chương trình: giải quyết việc làm, học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với dư nợ cho vay đạt gần 253 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP với số tiền gần 24 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời góp phần thực hiện tốt chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thái Thụy kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình anh Đỗ Quang Đông (thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng).

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ có tính nhân văn sâu sắc nhưng trong quá trình Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh triển khai thực hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh được trung ương giao tăng trưởng nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức, dân cư 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2023, nguồn vốn này tăng trưởng rất chậm, mới đạt 4% kế hoạch được giao. 

Ông Hoàng Văn Lợi, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hưng Hà cho biết: Thời gian qua, Phòng giao dịch luôn chú trọng công tác tuyên truyền về huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại trụ sở Phòng giao dịch và điểm trực giao dịch các xã, thị trấn để bổ sung nguồn vốn cho vay; nhưng đến hết tháng 6/2023, mặc dù là đơn vị có số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm trực giao dịch cao nhất tỉnh nhưng mới chỉ đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 6,68% so với thời điểm 31/12/2022.

Bên cạnh khó khăn về tăng trưởng nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức, dân cư, thời gian qua, nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng đạt tỷ trọng rất thấp, chỉ chiếm 2,42% tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh, trong khi đó bình quân toàn quốc nguồn vốn này chiếm tỷ trọng gần 11%. Cùng với đó, mức cho vay bình quân đối với hộ vay của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo còn thấp so với mức cho vay tối đa theo quy định (dư nợ bình quân hộ nghèo đạt 51,7 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo đạt 51,1 triệu đồng/hộ, hộ mới thoát nghèo đạt 43,1 triệu đồng/hộ)...



Ông Phí Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tích cực tham mưu UBND các cấp chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để tiếp tục cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp với MTTQ trong việc thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại 260 điểm trực giao dịch về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động tín dụng ưu đãi, các chính sách mới, các chương trình tín dụng chính sách để mọi người dân hiểu, thực hiện và cùng giám sát.

Bà Phạm Thị Dậu, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tống Thỏ Trung, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tống Thỏ Trung do Hội Nông dân xã Đông Mỹ quản lý hiện có 60 thành viên với dư nợ cho vay đến nay đạt 2,23 tỷ đồng. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, bảo đảm đúng đối tượng, đồng thời hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng nội dung hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Ngân hàng CSXH từ khâu bình xét cho vay đến khâu thu lãi, đôn đốc trả nợ khi đến hạn; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của thành viên, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót trong việc sử dụng vốn vay. Chính vì vậy, thời gian qua tổ không có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, thực hiện trả gốc và lãi đúng quy định, không có nợ quá hạn. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay, tổ còn tích cực vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm tự nguyện với tổng số tiền tiết kiệm đến nay đạt gần 106 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đốc, thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Ngoài kinh doanh thóc gạo, gia đình tôi còn thường xuyên chăn nuôi khoảng 30 con lợn và 50 con gà nên cuộc sống cũng có chút ít dư giả. Chính vì thế, kể từ khi Ngân hàng CSXH triển khai dịch vụ gửi tiết kiệm tại điểm trực giao dịch ở xã, tôi đã lựa chọn sử dụng ngay bởi đây là tổ chức tín dụng thuộc sở hữu của nhà nước nên tôi rất yên tâm khi gửi tiền, đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại khi đi gửi tiền. Ngoài ra tôi cũng mong muốn số tiền gửi của tôi sẽ giúp Ngân hàng CSXH có thêm nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.



Minh Hương