Chủ nhật, 22/12/2024, 17:30[GMT+7]

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2013 ước đạt 4,9%

Thứ 5, 27/06/2013 | 09:39:29
760 lượt xem
Theo Báo cáo sơ bộ tình hình kinh tế - xã hội tháng Sáu và 6 tháng của năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), hiện nền kinh tế đã có những chuyển biến nhất định, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều có những cải thiện, song vẫn chưa thể chủ quan bởi trước mắt những thách thức, khó khăn vẫn còn rất nhiều.

Ảnh minh họa

Báo cáo cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng qua ước đạt 4,9%, đạt xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm trước là 4,93%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, dịch vụ tăng 5,92%.

 

Hàng tồn kho giảm

 

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2013 ước đạt 5%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013. Báo cáo đánh giá mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng đầu năm 2013 không cao như mong đợi, nhưng đây cũng là mức hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài.

 

“Tuy nhiên, diễn biến các chỉ tiêu kinh tế trong quý II cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng,” báo cáo trình bày.

 

Theo đại diện Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (MPI), sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến khi hàng tồn kho đang giảm dần. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng dần qua từng tháng và trong 6 tháng qua, chỉ số IIP ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Cụ thể, chỉ số IIP quý II/2013 tăng 6%, đạt mức khá cao so với mức tăng 4,5% trong quý I. Thể hiện rõ nét nhất ở nhóm ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, tăng từ mức 4,6% ở quý I lên 6,9% trong quý II.

 

Bên cạnh đó hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến đã có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm, tại thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7%, so với cùng thời điểm năm trước đã giảm mạnh (mức tăng tại thời điểm 1/1/2013 là 21,5%).

 

Doanh nghiệp vừa, nhỏ phục hồi

 

Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý Kinh doanh cũng đưa ra những tín hiệu khả quan, số doanh nghiệp đăng ký mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, 6 tháng của năm 2013 ước tăng 7,8%. Trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã bắt đầu quay trở lại hoạt động, 6 tháng qua đạt khoảng 9.300 doanh nghiệp.

 

Ông Mạnh nhấn mạnh, trên thực tế các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang có xu hướng thích ứng tốt hơn so với doanh nghiệp lớn. Về yếu tố vùng miền, các doanh nghiệp tại  khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc trung bộ duyên hải miền trung phục hồi và thành lập mới có tốc độ  tăng cao, tuy nhiên khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn ở trong tình trạng khó khăn.

 

Ngoài ra ông Mạnh cũng cho biết, các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp hồi phục nhanh là khu vực bán lẻ, hoạt động dịch vụ lao động việc làm, cho thuê máy móc thiết bị... giáo dục đào tạo, y tế. Trong đó, một số lĩnh vực lại có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ với sự đào thải cao như xây dựng, đường sắt, đường bộ, vận tải viễn thông... Bên cạnh đó, khu vực tiếp tục khó khăn là ngân hàng, tài chính và nông, lâm, thủy sản...

 

Đáy “chữ  U”

 

Báo cáo trên đã đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Namon>, trong đó tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,5%.

 

Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với đầu năm chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, sức mua được cải thiện, một số hàng hóa dịch vụ thuộc diện Chính phủ quản lý (điện, viện phí…) cùng với các giải pháp giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản… sẽ làm tăng tổng cầu. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 7%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 8% do Quốc hội đề ra.

 

Tuy nhiên ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cũng thận trọng cho rằng, chu kỳ 3 năm của kinh tế thế giới có thể chấp nhận được và  sự hồi phục có thể vào cuối năm nay. Tuy nhiên chu kỳ hồi phục Việt Namon> sẽ có độ trễ và nhanh nhất cũng phải là cuối sang năm.

 

“Như vậy, theo những số liệu từ Tổng Cục thống kê, năm 2013 có thể là đáy để năm 2014 phục hồi, mô hình tăng trưởng phục hồi đang đi theo đáy chữ U, do đó mức tăng trưởng 5,5% đặt ra là khó khăn và phải rất nỗ lực mới có thể đạt được”, và ông Thức dự báo, mức tăng trưởng cả năm khoảng 5,1% - 5,2% là phù hợp và sang năm có thể tăng là 6%.

Nguồn Vietnam+on>

  • Từ khóa