Chủ nhật, 19/05/2024, 00:05[GMT+7]

Hoạt động ngân hàng những tín hiệu lạc quan 6 tháng đầu năm 2013

Thứ 4, 24/07/2013 | 10:47:18
1,079 lượt xem
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả hoạt động tiền tệ và tín dụng.

Xưởng sản xuất sứ vệ sinh của Công ty cổ phần Sứ Đông Lâm (Khu công nghiệp Tiền Hải).

Nhờ vậy, hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013 phát triển ổn định, vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng trưởng khá, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chiếm 1,6% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2012… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Những tháng đầu năm, lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, thị trường vàng còn nhiều bất ổn nên gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn nhất. Dựa vào lợi thế này, các ngân hàng đã đa dạng các kênh, kỳ hạn huy động vốn nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân. Dù NHNN đã 2 lần giảm trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn bằng tiền đồng (VND) từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm nhưng nguồn vốn huy động 6 tháng đầu năm của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 6/2013 tổng nguồn vốn huy động đạt 19.709 tỷ đồng, tăng 7,2% so với thời điểm cuối tháng 12/2012 và cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 0,6%.

Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 89,4% (tăng 11,7% so với cuối tháng 12/2012), tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 10,6% (giảm 19,7% so với cuối tháng 12/2012). Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các TCTD đã huy động khoảng 8.000 tỷ đồng vốn điều hoà, vốn vay từ Trung ương, bảo đảm khả năng thanh khoản, đáp ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế, các ngân hàng tập trung triển khai các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng. Ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư và khách hàng mua nhà ở xã hội, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm nay đạt 25.565 tỷ đồng, tăng 4.962 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2012. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến hết tháng 6/2013 đạt 25.386 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối tháng 12/2012, cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc 0,1%. Đặc biệt, tháng 6 cũng là tháng thứ 4 liên tiếp dư nợ tháng sau tăng trưởng dương so với tháng trước. Đây cũng là dấu hiệu tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phục hồi kinh tế của tỉnh ta trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về một số giải pháp  tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, 6 tháng đầu năm, các TCTD ở Thái Bình tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 6, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 9 đến 11% (vốn vay ngắn hạn), 12 đến 13%/năm (vốn vay trung và dài hạn), giảm từ 3 đến 4% so với đầu năm 2013; lãi suất cho vay USD khoảng 6%/năm (vốn vay ngắn hạn), 7%/năm (vốn vay trung, dài hạn).

Các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ 12%/năm xuống còn 9%/năm đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên như: phát triển nông nghiệp - nông thôn, phục vụ xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Gia hạn nợ đối với những khoản vay cũ, áp dụng trần lãi suất cho vay 9% đối với các khoản vay mới phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn và gia cầm. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho 1.266 khách hàng với dư nợ 368,6 tỷ đồng; giảm lãi suất tiền vay cho 5 khách hàng với số tiền 58 triệu đồng. Giữ nguyên nhóm nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 1.250 khách hàng, dư nợ 243,8 tỷ đồng nên đã giúp khách hàng không phải áp dụng lãi suất quá hạn, giảm chi phí vay vốn ngân hàng. Bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực thực hiện các các chương trình cho vay theo lãi suất ưu đãi với dư nợ hiện tại đạt 2.137 tỷ đồng.

Hoạt động của 85 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, đến hết tháng 6 có gần 130.000 thành viên tham gia với nguồn vốn huy động đạt 2.676 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2012; dư nợ cho vay đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 10,7% tổng dư nợ toàn địa bàn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Từ ngày 1/7/2013, Quỹ Tín dụng Trung ương Chi nhánh Thái Bình đã hoàn thành các thủ tục, chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã. Tổng nguồn vốn hoạt động đến ngày 30/6 đạt 757,6 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối tháng 12/2012. Dư nợ cho vạy đạt 357,5 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên theo đánh giá của NHNN, dù toàn ngành đã có nhiều giải pháp để giảm lãi suất, ưu tiên giảm lãi suất đối với nhiều lĩnh vực nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy, từ nay đến cuối năm ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh huy động vốn, tăng cường cho vay phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, toàn ngành chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất, phí cho vay.

Tập trung rà soát, tiết giảm chi phí, tạo cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, thực hiện tốt các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi vay. Triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên để tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức 12%. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,5% năm 2013.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa