Thứ 2, 23/12/2024, 13:26[GMT+7]

Cán bộ ngân hàng và áp lực đổi tiền mới dịp tết

Thứ 2, 29/01/2024 | 22:53:03
7,722 lượt xem
Nhu cầu đổi tiền mới trong dịp tết Nguyên đán của người dân tăng cao đã trở thành áp lực đối với cán bộ ngân hàng.

Các ngân hàng trên địa bàn chủ động chuẩn bị đủ lượng tiền mặt để cung ứng trong dịp tết Nguyên đán.

Có thâm niên công tác lâu năm tại một ngân hàng thương mại có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, lại phụ trách mảng tín dụng nên lượng khách hàng thân quen của anh Nguyễn Văn Phúc khá nhiều. Cũng như mọi năm, những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh Phúc nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi từ khách hàng nhờ đổi tiền mới; đó là chưa kể đến người thân, bạn bè. Anh tâm sự: Thông thường hàng năm ngân hàng tôi chỉ phân bổ cho mỗi nhân viên khoảng 15 triệu đồng tiền lẻ mới nhưng nhu cầu nhờ đổi thì vượt cả chục lần nên tôi cũng không biết phải làm sao. Bản thân tôi cũng đã giải thích lượng tiền mới rất hạn chế nhưng khách hàng cũng không thông cảm.

Cũng chung áp lực như anh Phúc, nhiều ngày nay, khách hàng của chị Nguyễn Thùy Trang, nhân viên một ngân hàng cổ phần trên địa bàn tỉnh liên tục gọi điện hỏi về tiền lẻ mới và nhờ đổi vài chục triệu. Những ngày cuối năm, công việc nhiều cộng thêm áp lực đổi tiền mới khiến chị Trang rất mệt mỏi. Chị chia sẻ: Được phân bổ rất ít nên tôi đành phải nói khéo để bạn bè và khách hàng thông cảm.

Nhu cầu đổi tiền mới thường phổ biến ở các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng. Ngoài ra, tiền mới các mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng và 1.000 đồng cũng được nhiều người ưa thích. Trong khi đó, từ năm 2020, để khắc phục tình trạng tồn quỹ tiền mặt do các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 10.000 - 50.000 đồng. Nguồn cung hạn chế, trong khi tình trạng “nhờ vả” đổi tiền mới luôn tiếp diễn nên thời điểm này là “ác mộng” đối với nhiều nhân viên ngân hàng khi họ luôn phải tìm cách từ chối khéo. Để không mất lòng khách hàng, người thân, một số ngân hàng tích cực tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng tiền đã qua lưu thông nhưng vẫn còn khá mới bởi đã qua khâu lựa chọn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tích cực quán triệt cán bộ, nhân viên về vấn đề đổi tiền dịp tết, tuyệt đối không liên hệ với các dịch vụ đổi tiền, tránh vi phạm pháp luật.

Đổi tiền mới dịp tết Nguyên đán luôn là áp lực đối với cán bộ ngân hàng.

Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu, chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị và trung tâm thương mại; tổ chức tốt công tác cung ứng, điều hòa tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về cơ cấu và mệnh giá. Đến hết tháng 1/2024, tổng thu tiền mặt toàn ngành ngân hàng ước đạt 40.000 tỷ đồng, tổng chi tiền mặt ước đạt 37.500 tỷ đồng, bội thu tiền mặt ước đạt 2.500 tỷ đồng.  

  • Theo điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đối với các vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng, áp dụng đối với cá nhân;
  • Theo điểm b, khoản 3, Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, khi tổ chức thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 40 đến 80 triệu đồng.

Minh Hương