Chủ nhật, 05/05/2024, 18:06[GMT+7]

Công nghệ số tạo động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng

Thứ 3, 13/02/2024 | 14:49:05
8,932 lượt xem
Năm 2023 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số ngành ngân hàng, từ đó tạo động lực tăng trưởng trong toàn ngành. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ thương mại điện tử nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường cũng như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hưng Hà hướng dẫn khách hàng sử dụng app VBSP smart banking.

Đa dạng dịch vụ số

Nếu như trước đây, chị Nguyễn Thị Dích (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy) phải lên thị trấn Diêm Điền mới có thể giao dịch với ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm thì giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt internet banking, mọi giao dịch gửi tiền tiết kiệm của chị Dích đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Do đặc thù kinh doanh tại chợ Bàng nên ngoài việc sử dụng dịch vụ gửi tiết kiệm online, chị Dích còn thường xuyên sử dụng dịch vụ chuyển tiền trong giao dịch thanh toán với khách hàng. Chị Dích tâm sự: Kể từ khi tôi dán mã QR cá nhân ở ngay tại quầy, việc thanh toán của khách hàng cũng trở nên thuận tiện hơn đồng thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn. 

Còn đối với anh Nguyễn Ngọc Quân (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình) do làm việc ở công ty, thời gian nghỉ làm muộn nên mỗi khi giao dịch với ngân hàng, anh Quân đều phải xin nghỉ việc. Anh Quân cho biết: Khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh đưa vào hoạt động Ngân hàng số Agribank Digital với đầy đủ các dịch vụ của một ngân hàng thu nhỏ nên tôi đã đăng ký sử dụng ngay. Tôi rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ vì có thể thực hiện các giao dịch với ngân hàng 24/7 mà không cần phải xin nghỉ việc ở công ty.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hóa; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến để cải tiến, thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; phát triển, tích hợp ứng dụng thanh toán mới nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng, nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ, gia tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. 

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, việc triển khai dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank với đầy đủ tính năng như: quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, rút tiền mặt bằng quét mã QR Code trên ATM...; mở rộng triển khai dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia (thanh toán thuế cá nhân, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, phí phạt vi phạm giao thông; phối hợp với Kho bạc Nhà nước Thái Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Thái Bình, Công ty Điện lực Thái Bình thực hiện các giao dịch thanh toán như: nộp ngân sách, thu, chi trợ cấp, thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, trả lương, mua sắm hàng hóa, dịch vụ... đã góp phần không nhỏ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của toàn Chi nhánh. Năm 2023, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt của Chi nhánh chiếm 80% tổng doanh số thanh toán.

Hay như ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Chi nhánh Thái Bình, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ số ngân hàng, Chi nhánh đã triển khai công cụ quét mã QR code xác thực khách hàng tại quầy; chức năng eKEY mở tài khoản, thẻ trực tuyến tại Vietinbank iPay, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Hoặc tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, với đặc thù khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách nhưng việc phát triển công nghệ số vẫn luôn được chú trọng thực hiện. 

Sau 10 tháng triển khai dịch vụ mobile banking thông qua ứng dụng VBSP Smart Banking, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.800 khách hàng cài đặt, sử dụng. Anh Nguyễn Văn Toán, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà) cho biết: Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên đồng thời là tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng, tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội nghị để đoàn viên hiểu rõ tiện ích của ứng dụng, từ đó cài đặt và sử dụng kịp thời.

Tạo động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng

Ông Trần Minh Hạc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng; trên cơ sở đó các tổ chức tín dụng đã tích cực đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ, tiện ích hiện đại, thân thiện, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như QR Code, internet banking, mobile banking, thanh toán không tiếp xúc, ví điện tử... tạo nên cuộc cách mạng trong thanh toán, giao dịch. Thói quen chi tiêu, tiết kiệm của người dân và xã hội đã được thay đổi theo hướng tích cực; người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, giúp cho dòng vốn ngân hàng vận hành linh hoạt, khơi thông và chảy vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Phương thức thanh toán số lan tỏa nhanh chóng và quen thuộc được người dân đón nhận, nhất là thanh toán cho dịch vụ hành chính công và các dịch vụ thiết yếu khác như tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội... Đến cuối năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn lắp đặt 210 máy ATM, 1.200 thiết bị chấp nhận thẻ POS, phát hành hàng nghìn mã QR Code cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, mở trên 1,6 triệu tài khoản, phát hành gần 2 triệu thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 2.050 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với gần 181.000 lao động nhận lương qua tài khoản.

Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số đã giúp các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đổi mới toàn diện, mở rộng cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối lớn hơn với chi phí thấp hơn, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành ngân hàng đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 121.300 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay đạt 94.800 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm 31/12/2022; tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 80% tổng doanh số thanh toán, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2022.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình đưa vào hoạt động Ngân hàng số Agribank Digital từ năm 2022.

Kim Ngân