Chủ nhật, 22/12/2024, 22:23[GMT+7]

Tạo đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Thứ 2, 03/06/2024 | 09:54:15
4,917 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH), công tác tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Tiền Hải đã có nhiều đột phá. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn cơ sở đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,63%, hộ cận nghèo còn 1,8%.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Đông Lâm (Tiền Hải).

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Do thu nhập không ổn định nên sau một thời gian đi làm ăn xa, năm 2013, anh Phạm Giang Khang, thôn Nho Lâm Tây, xã Đông Lâm quyết định trở về quê mở cơ sở nhôm kính Khang Trang chuyên sản xuất nhôm kính, sắt thép, inox nội và ngoại thất. Đến năm 2021, do nhu cầu nâng cấp máy móc phục vụ sản xuất, gia đình anh Khang được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nho Lâm Tây tạo điều kiện bình xét cho vay 84 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ủy thác đầu tư của huyện Tiền Hải. Nguồn vốn vay ưu đãi không chỉ giúp gia đình anh Khang có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập từ 350.000 - 400.000 đồng/ người/ngày. Anh Khang tâm sự: Mặc dù vốn vay chưa nhiều nhưng thủ tục vay đơn giản, lãi suất cho vay phù hợp nên gia đình tôi rất phấn khởi.

Anh Phạm Giang Khang, thôn Nho Lâm Tây, xã Đông Lâm đầu tư máy móc phát triển cơ sở nhôm kính Khang Trang từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đường, thôn Cam Lai, xã Đông Cơ cũng là một trong những thành viên được vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn ủy thác đầu tư của huyện Tiền Hải. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Cam Lai, anh Đường được bình xét cho vay 92 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Anh chia sẻ: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng giúp tôi phát triển cơ sở sản xuất nội thất Châu Anh như ngày hôm nay. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho 2 lao động chính với thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng và 4 lao động thời vụ với thu nhập 300.000 đồng/người/ngày. 

Nhờ vốn vay ưu đãi của Chính phủ, cơ sở sản xuất nội thất Châu Anh (xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải) duy trì sản xuất, tạo việc làm cho 2 lao động chính và 4 lao động thời vụ. 


Chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách 

Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã mang đến “luồng sinh khí mới”, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, từ đó đưa hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Giai đoạn 2014 - 2024, tổng doanh số cho vay ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn huyện Tiền Hải đạt hơn 2.056 tỷ đồng với 56.516 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt hơn 1.485 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 625 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW với 15.492 khách hàng đang dư nợ. 

Bà Hà Thị Thơm, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiền Hải cho biết: Trên cơ sở Chỉ thị số 40-CT/TW, với vai trò cơ quan đầu mối, Phòng giao dịch đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, bảo đảm đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ khi có chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng CSXH cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo, điều hành, từ đó mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng CSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả những tồn tại so với trước đây. 

Ông Phạm Trọng Ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Lâm cho biết: Trên địa bàn xã Đông Lâm hiện đang có 443 người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ với dư nợ cho vay đạt gần 24,4 tỷ đồng, trong đó có 9 gia đình đang được vay vốn từ nguồn vốn ủy thác đầu tư ngân sách huyện với số tiền gần 440 triệu đồng. Qua quá trình triển khai các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương rất kiên quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể tuyệt đối không để thất thoát vốn vay; đồng thời, tích cực chỉ đạo rà soát, nắm bắt tình hình cụ thể của từng gia đình trước khi tổ chức bình xét cho vay vốn, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Chính vì thế, đến nay xã Đông Lâm không có nợ xấu trong cho vay ưu đãi. 

Không chỉ huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong cho vay ưu đãi của Chính phủ, một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn huyện Tiền Hải đó là sự chuyển biến về nguồn vốn ủy thác đầu tư của ngân sách huyện sang Ngân hàng CSXH. 

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Xác định vốn tín dụng ưu đãi là công cụ hữu hiệu, thiết thực để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, thời gian qua, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện cho hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Hàng năm, huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, từ đó nâng tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác đến nay lên gần 6,3 tỷ đồng. 

Để Chỉ thị số 40-CT/TW thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, huyện Tiền Hải chú trọng kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện; tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục làm tốt công tác quản lý, phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch. 



Minh Hương 

(Tác phẩm tham gia giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024)