Thứ 6, 22/11/2024, 10:15[GMT+7]

Sức mạnh “40” Kỳ 1: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ 2, 29/07/2024 | 06:45:07
6,302 lượt xem
Nếu như năm 2014, nguồn vốn ủy thác tại địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng thì sau 10 năm con số đó đã tăng gần 123 tỷ đồng. Trong 10 năm, vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 110.000 gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 2,9%, đến năm 2023 còn 1,82%. Những kết quả đó đã khẳng định hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Hưng kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của gia đình chị Trần Thị Thoan, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương.

Trao sinh kế bền vững 

Năm 2003, gia đình anh Phạm Văn Khương, chị Trần Thị Thoan, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương (Đông Hưng) phát triển cơ sở sản xuất hương trầm trên quy mô ban đầu nhỏ lẻ tại gia đình. Tuy nhiên, đến năm 2022, do mở rộng thị trường, cần thêm vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, gia đình anh chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phương Cúc bình xét cho vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ủy thác đầu tư của huyện Đông Hưng. Nguồn vốn vay ưu đãi không chỉ giúp gia đình anh chị có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. 

Chị Thoan chia sẻ: Mặc dù nguồn vốn vay không lớn nhưng đã giúp gia đình tôi rất nhiều, nhất là trong thời điểm khó khăn cần vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Cán bộ ngân hàng hướng dẫn rất nhiệt tình nên việc giải ngân vốn vay được thực hiện rất nhanh chóng. 

Cũng như gia đình anh Khương, chị Thoan, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Xuân Lai, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) duy trì ổn định cửa hàng kinh doanh tạp hóa. 

Chị Phương tâm sự: Do không có việc làm ổn định nên năm 2015 tôi đã mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa để có thêm thu nhập nuôi con ăn học. Rất may mắn cho gia đình tôi khi được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xuân Lai do Hội Nông dân xã quản lý bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Với lãi suất hợp lý và chương trình tiết kiệm tự nguyện hàng tháng nên không tạo gánh nặng cho gia đình tôi khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Xuân Lai, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) phát triển cửa hàng kinh doanh tạp hóa từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Chuyển động từ Chỉ thị số 40-CT/TW 

Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách - là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Chuyển động tích cực nhất từ khi có Chỉ thị số 40-CT/ TW đó là vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền các cấp còn lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. 

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH ở xã Đông Lâm (Tiền Hải).

Cùng với đó, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp cũng được nâng lên rõ rệt. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc trong quá trình triển khai tín dụng chính sách; đồng thời, chỉ đạo kịp thời các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. 

Chuyển động từ Chỉ thị số 40-CT/TW còn được thể hiện ở sự tham gia của chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện, từ đó góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt chất lượng, hiệu quả. 

Tăng nguồn lực cho tín dụng chính sách 

Chỉ thị số 40-CT/TW không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách mà còn tạo sự chuyển biến về nguồn vốn ủy thác đầu tư của ngân sách các cấp sang Ngân hàng CSXH, từ đó tăng nguồn lực cho Ngân hàng CSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn. Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, UBND tỉnh và 8/8 huyện, thành phố đều quan tâm bố trí chuyển nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2024, ngân sách địa phương các cấp đã cấp bổ sung gần 123 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH, từ đó nâng tổng nguồn vốn ủy thác đến nay đạt hơn 133 tỷ đồng. Đến ngày 30/4, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt hơn 4.443 tỷ đồng, tăng 111,87% so với thời điểm 31/12/2014; trong đó nguồn vốn cân đối từ trung ương chuyển về đạt gần 3.515 tỷ đồng, tăng 75,2% so với thời điểm 31/12/2014; nguồn vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù lãi suất đạt hơn 795 tỷ đồng, tăng 885,53% so với thời điểm 31/12/2014 và nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt hơn 133 tỷ đồng, tăng 1.180,1% so với thời điểm 31/12/2014.


(còn nữa) 

Minh Hương