Thứ 5, 08/08/2024, 12:19[GMT+7]

Tài khoản chứng khoán mở mới cao nhất 2 năm

Thứ 5, 08/08/2024 | 08:22:18
362 lượt xem
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 7/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm. Đây là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5-6/2022.

Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 1,1 triệu tài khoản.

Tính đến cuối tháng 7, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Số lượng tài khoản tăng đột biến trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn trước ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. VN-Index khép lại tháng 7 vừa qua với mức giảm nhẹ, gần như không đáng kể. Lực đỡ chủ yếu đến từ dòng tiền nội trong khi khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng dù mức độ đã có phần hạ nhiệt.

Tuy số lượng tài khoản tăng, thanh khoản trên thị trường lại trở nên trầm lắng hơn trong tháng 7 vừa qua.

Theo báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán SSI, thanh khoản bình quân sàn HoSE đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 7, thấp hơn 27% so với tháng 6. Tháng 7 là tháng có giao dịch thấp từ đầu năm, chỉ sau tháng 1.

Tính chung 7 tháng đầu năm, thanh khoản bình quân sàn HoSE thu hẹp còn 21.000 tỷ đồng mỗi phiên. Theo các chuyên gia, giao dịch chậm lại có thể do nhà đầu tư lo ngại một số rủi ro địa chính trị và phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, do vậy thực hiện quản lý rủi ro trước các biến động thường xuyên và khó dự đoán của thị trường chứng khoán.

Theo vtv.vn