Chủ nhật, 27/10/2024, 03:21[GMT+7]

Hiệu quả cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở thành phố Thái Bình

Thứ 2, 07/10/2024 | 21:27:27
1,325 lượt xem
Với gần 170 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) trải khắp địa bàn các thôn, tổ dân phố, thời gian qua, các tổ TK và VV trên địa bàn thành phố Thái Bình đã làm tốt vai trò cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ đó giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình).

Là một trong những tổ TK và VV duy trì hoạt động hiệu quả, luôn được xếp loại tốt, Tổ TK và VV thôn Đại Lai 2 do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Xuân quản lý đang có 55 thành viên với dư nợ cho vay đến nay đạt gần 1,7 tỷ đồng. 

Bà Hoàng Thị Son, Tổ trưởng Tổ TK và VV thôn Đại Lai 2 cho biết: Ngay sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giải ngân vốn vay, tổ đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; kịp thời nắm bắt nợ đến hạn trong tháng liền kề trên cơ sở đó nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn tại điểm giao dịch xã; đồng thời, báo cáo những vướng mắc, khó khăn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết kịp thời. Chính vì thế, đến nay, tổ không phát sinh nợ xấu, các thành viên vay vốn đều trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn. Thông qua hoạt động của tổ, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH không chỉ được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, mà còn giúp các thành viên vay vốn có thể chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Năm 2009, gia đình anh Nguyễn Tiến Đạt được Tổ TK và VV thôn Đại Lai 2 bình xét cho vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở cơ sở sản xuất nhôm kính, chuyên làm gia công và sản xuất các sản phẩm về nhôm kính cho nhà dân. 

Anh Đạt chia sẻ: Những ngày đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đồng hành tích cực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến nay, gia đình tôi đã từng bước ổn định, mở rộng quy mô sản xuất với tổng diện tích 3 xưởng hơn 400m2, tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập trung bình 11 triệu đồng/người/ tháng. 

Với gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thông qua Tổ TK và VV thôn Đại Lai 2 đã được vay 40 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm và 20 triệu đồng chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường để đầu tư cơ sở sản xuất cơm hộp Phúc Huy, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. 

Bà Phượng chia sẻ: Trung bình 1 ngày, cơ sở cung cấp khoảng 400 suất ăn cho công nhân các công ty trên địa bàn. Tham gia Tổ TK và VV thôn Đại Lai 2, tôi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH dễ dàng, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình tôi không chỉ duy trì được cơ sở sản xuất mà còn tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/ tháng. 

Sử dụng vốn vay hiệu quả, cơ sở sản xuất cơm hộp Phúc Huy của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân tạo việc làm cho 5 lao động địa phương.

Trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện có 169 tổ TK và VV đang hoạt động với tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt gần 270 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ cho vay ưu đãi toàn thành phố với hơn 4.980 lượt khách hàng đang vay vốn. Qua kết quả rà soát, phân loại tổ TK và VV, toàn thành phố có 164 tổ TK và VV xếp loại tốt, chiếm 97,04%; 4 tổ TK và VV xếp loại khá, chiếm 2,37%; 1 tổ TK và VV xếp loại trung bình, chiếm 0,59%. 

Ông Lê Hải Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TK và VV trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn thành phố nói riêng, thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhận ủy thác trong việc rà soát, củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ; chú trọng hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho ban quản lý tổ TK và VV; xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách sau cho vay; duy trì có hiệu quả họp giao ban định kỳ hàng tháng với các đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, phường, các tổ TK và VV, trên cơ sở đó xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn vay của thành viên. 

Minh Hương