Thứ 7, 28/12/2024, 02:44[GMT+7]

Ngân hàng, ví điện tử không cho chuyển online nếu chưa sinh trắc học

Thứ 6, 27/12/2024 | 10:02:23
292 lượt xem
Một số ngân hàng, ví điện tử bắt buộc khách hàng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online trước hạn 1/1/2025, nhằm tránh tình trạng gián đoạn giao dịch.

Ảnh minh họa.

Theo các thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước, một số giao dịch ngân hàng buộc xác thực sinh trắc học theo quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, Thông tư 17 quy định chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Thông tư 18 cũng yêu cầu giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính... Còn các giao dịch thẻ trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS) vẫn diễn ra bình thường, không yêu cầu phải sinh trắc học.

Như vậy, giao dịch ngân hàng bị dừng nếu không xác thực tài khoản bao gồm: Các giao dịch trực tuyến như chuyển tiền qua Internet Banking và Mobile Banking; thanh toán hóa đơn; liên kết và sử dụng ví điện tử.

Một tuần trước hạn 1/1/2025 về xác thực sinh trắc học của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng, ví điện tử "giục" và yêu cầu khách hàng cập nhật trước khi giao dịch online.

Anh Huy Phương (TP Hồ Chí Minh) cho biết đặt dịch vụ gọi xe và chọn thanh toán bằng MoMo thì nhận được yêu cầu xác thực sinh trắc học từ ví điện tử này. Anh buộc phải cập nhật, mới có thể thanh toán online.

Không riêng MoMo, một vài nhà băng như VietinBank cũng yêu cầu khách hàng phải xác thực sinh trắc học. Điều này theo Phó tổng giám đốc VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân, nhằm giảm tình trạng quá tải vào những ngày cận Tết dương lịch.

Phó Tổng giám đốc VietinBank - ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết, thời điểm 1/1/2025 trùng với dịp nghỉ Tết Dương lịch, ngân hàng không làm việc, nếu khách hàng phát sinh trục trặc khi chuyển tiền online, sẽ xảy ra bất tiện.

"Để tránh chủ tài khoản gặp gián đoạn giao dịch, chúng tôi chủ động yêu cầu họ hoàn thành cập nhật sinh trắc trước một tuần. Nhân viên tại các chi nhánh, phòng giao dịch hỗ trợ trực tiếp khách hàng trong trường hợp họ gặp khó khăn khi tự xác thực", ông Lân nói. Hiện gần 86% khách hàng của VietinBank đã hoàn thành xác thực sinh trắc học.

Đại diện ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng chia sẻ từ tháng 11, ngân hàng này đã hướng dẫn và điều hướng khách hàng cập nhật sinh trắc học trước khi giao dịch điện tử. Đến nay, hầu hết tập khách hàng có giao dịch online thường xuyên đã đăng ký.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng thời gian hoạt động tại chi nhánh để hỗ trợ người dân hoàn tất cập nhật sinh trắc đúng hạn. Chẳng hạn, VietinBank mở cửa các phòng giao dịch vào thứ Bảy và Chủ nhật từ 8h đến 16h30 trong nửa cuối tháng 12.

Tương tự, hàng trăm điểm giao dịch của Vietcombank cũng hoạt động hai ngày cuối tuần và thời gian giao dịch hàng ngày kéo dài tới 18h30, để hỗ trợ các chủ tài khoản. Tính đến đầu tháng 12, gần 8,5 triệu khách hàng của ngân hàng này đã cập nhật sinh trắc học.

Các ngân hàng cho biết việc khách hàng không cập nhật thông tin trước ngày 1/1/2025 sẽ dẫn đến gián đoạn trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch tài chính cá nhân.

Về việc người Việt Nam ở nước ngoài, giám đốc ngân hàng số của một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài không mang thẻ căn cước hoặc CCCD thì việc xác thực sinh trắc sẽ khó khăn. Khi đó, những cá nhân này buộc phải về nước và cập nhật dữ liệu sinh trắc học thì mới có thể giao dịch được.

Còn những người có mang căn cước công dân gắn chip đi và có đầy đủ các dữ liệu về sinh trắc học về gương mặt, về các dữ liệu về số căn cước thì các dữ liệu đấy sẽ được cập nhật online dựa trên app của ngân hàng.

Hiện các app của ngân hàng đã có sẵn tính năng cập nhật sinh trắc học trực tuyến. Người dùng chỉ cần làm đúng hướng dẫn với công nghệ NFC thì cũng có thể cập nhật dữ liệu sinh trắc học ngay lập tức nếu có mang theo CCCD.

Theo vtv.vn