Thứ 4, 12/02/2025, 11:37[GMT+7]

Chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn

Thứ 3, 11/02/2025 | 21:02:27
120 lượt xem
Xác định chuyển đổi số là tất yếu, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ vào hoạt động tín dụng chính sách bằng nhiều ứng dụng, phần mềm tiện ích, qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Bà Đức Thị Hoa (người ngoài cùng bên phải), tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đông Bình Cách, xã Đông Xá (Đông Hưng) sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách tra cứu thông tin khách hàng.

Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách 

Đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đạt trên 4.770 tỷ đồng, tăng 11,78% so với thời điểm 31/12/2023. 99,89% tổng dư nợ của 11 chương trình tín dụng chính sách là cho vay thông qua ủy thác của 4 tổ chức chính trị - xã hội với gần 2.700 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV), có trên 95.000 hộ thành viên. Hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 xuống còn 1,59% (giảm 0,23% so với năm 2023).

Ông Lê Hải Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Để phục vụ ngày càng hiệu quả cho trên 95.400 khách hàng đang vay vốn còn dư nợ và tạo thuận lợi cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách tại gần 250 điểm giao dịch, lãnh đạo các địa phương, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, tầm quan trọng và lợi ích của phần mềm, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cài đặt và sử dụng cho người dùng. Từ ngày 1/9 - 31/12/2024, 100% cán bộ ngân hàng, trên 1.800 cán bộ hội, đoàn thể các cấp và thành viên ban đại diện hội đồng quản trị - ngân hàng CSXH, 242 chủ tịch UBND xã, 2.691 tổ trưởng tổ TK và VV đã được cài đặt ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại thông minh, sử dụng thành thạo ứng dụng phục vụ nghiệp vụ chuyên môn. 

Từ khi đưa ứng dụng vào hoạt động, việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ TK và VV với cán bộ ngân hàng tại các điểm giao dịch diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Bà Đỗ Thị Như Hoa, tổ trưởng tổ TK và VV thôn Phong Châu, xã Đông Quan (Đông Hưng) chia sẻ: Trước đây, mọi thông tin tín dụng của 60 thành viên với dư nợ gần 3,2 tỷ đồng tôi phải ghi vào sổ, đi đâu cũng phải mang theo, rất bất tiện. Giờ có ứng dụng quản lý tín dụng chính sách như là “cẩm nang điện tử”, dễ sử dụng, nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, thống kê các khoản thu, triển khai thu lãi, tiền gửi thuận tiện, chính xác, nhập và sửa thông tin khách hàng nhanh chóng...  

Tiện ích từ dịch vụ Mobile banking 

Sau thời gian, khách hàng và những người làm tín dụng chính sách dần quen, sử dụng thành thạo với những dịch vụ ngân hàng số, họ đã không còn bỡ ngỡ với điện thoại thông minh với những ứng dụng của ngân hàng triển khai. Công nghệ số đã về làng, vào tận nhà họ. Nắm bắt nhu cầu ấy, bên cạnh ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai ứng dụng Mobile banking cho phép hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch online như thanh toán trực tuyến, chuyển tiền nhanh bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. 

Mang lại tiện ích thiết thực, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn triển khai dịch vụ Mobile banking đã có trên 3.300 tài khoản khách hàng được mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh. 

Anh Phạm Văn Mạnh, xã Tân Lễ (Hưng Hà) chia sẻ: Việc giao dịch trực tuyến qua ứng dụng Mobile banking do cán bộ ngân hàng CSXH cài đặt trên điện thoại cho tôi rất tiện lợi. Chỉ bằng điện thoại di động thông minh tôi có thể chuyển tiền vừa được vay cho tài khoản khác để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu về mở rộng quy mô nhà lưới sản xuất nấm sò... thay bằng trước đây cứ phải mất thời gian tới tận phòng giao dịch ngân hàng hoặc dùng tiền mặt.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, mở tài khoản Mobile banking và cài đặt sinh trắc học cho khách hàng, bảo đảm hoạt động thanh toán, giao dịch không bị gián đoạn, an toàn và bảo mật, đồng thời giúp các đối tượng chính sách tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ số tiên tiến, tăng cường và cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, đơn vị đã triển khai dịch vụ Mobile banking đến các khách hàng dưới hình thức cài ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Với giao diện dễ sử dụng, có đầy đủ các tính năng, có độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian, chi phí nên dịch vụ này đang được nhiều khách hàng ủng hộ, cài đặt ngay từ những ngày đầu triển khai bởi những tiện ích và tính khả thi, bảo mật cao của phần mềm này, hiện đã chiếm khoảng 30% tổng khách hàng đang dư nợ cài đặt. 

Để lan tỏa dịch vụ ngân hàng số đến khách hàng và người dân, thời gian tới Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng cài đặt, sử dụng các sản phẩm dịch vụ trên điện thoại di động. Qua đó đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng. 

Sau khi cán bộ ngân hàng CSXH cài đặt, hướng dẫn ứng dụng Mobile banking trên điện thoại di động, khách hàng đã sử dụng để thanh toán tiền trực tuyến. 

Thu Hiền