Thứ 4, 02/04/2025, 03:52[GMT+7]

Thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn ưu đãi

Thứ 6, 28/03/2025 | 21:00:15
625 lượt xem
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, qua đó nhân lên ý nghĩa nhân văn chính sách của Chính phủ.

Được tiếp vốn, chị Đặng Thị Vui (người đứng giữa), xã Vũ Hội (Vũ Thư) đã mạnh dạn phát triển nghề chạm bạc, vươn lên làm giàu.

Phát triển nghề chạm bạc 

Nhắc đến nghề chạm bạc ai cũng nghĩ ngay đến Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) nhưng nay nghề chạm bạc nổi tiếng đã lan tỏa, phát triển ở nhiều nơi, trở thành nghề làm giàu của nhiều gia đình, trong đó có gia đình chị Đặng Thị Vui, xã Vũ Hội (Vũ Thư). 

Chị Vui chia sẻ: Trước đây, vì không có nhiều vốn nên tôi thường về xã Hồng Thái mua một số sản phẩm chạm bạc đi chợ bán, vất vả mà lãi chỉ đủ mua mớ rau, con cá cải thiện bữa ăn cho gia đình. Sau đó tôi bàn với chồng đi học nghề rồi về làm vài sản phẩm nhỏ mang ra chợ bán, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thạo nghề, tôi được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đức Lân kết nối với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vũ Thư vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm cùng vốn vay bạn bè, người thân đầu tư mua máy móc, làm xưởng phát triển nghề chạm bạc. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vợ chồng tôi thêm động lực, nỗ lực từng ngày để đồng vốn phát huy hiệu quả. Đến nay, xưởng của gia đình đã mở rộng trên diện tích 1.000m2, sản xuất trên 20 sản phẩm chạm bạc, chủ yếu là đồ thờ các loại, các kích cỡ khác nhau, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Xưởng tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng. 

Từ hai bàn tay trắng, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, sau hơn 10 năm du nhập, phát triển nghề, gia đình chị Vui đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học, mua ô tô đi lại và chở hàng giao cho khách. Chị Vui mong muốn ngân hàng tiếp tục cho vay vốn bổ sung thêm khoảng 100 - 200 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. 

Thu nhập cao với giống nho mới 

Với mong muốn nhân rộng giống nho sữa Hàn Quốc, nho hạ đen Ninh Thuận có giá bán rất cao, ông Nguyễn Huy Xuân, xã Tây Đô (Hưng Hà) đã mạnh dạn đưa các giống nho mới về trồng trên đồng đất quê hương để phục vụ người tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn. 

Ông Xuân cho biết: Trước kia, trên diện tích 4 sào vườn của gia đình tôi trồng thanh long nhưng hiệu quả không cao vì hay sâu bệnh. Sau nhiều lần tìm hiểu thông tin trên mạng, trên báo chí, tham quan thực tế một số mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc, nho hạ đen trong và ngoài tỉnh đã thành công, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hưng Hà cùng vốn tự có của gia đình đầu tư trên 200 triệu đồng chuyển đổi từ thanh long sang trồng 300 gốc nho sữa Hàn Quốc và nho hạ đen trong nhà lưới với quyết tâm “chinh phục” giống cây mới này. Nho giống rất đắt gần 400.000 đồng/gốc, việc chăm sóc cũng cầu kỳ, phức tạp hơn các loại nho khác, nhất là tỉa cành, cắt lá phải đúng chu kỳ, thời điểm cây nho mới sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, quả to đều, giòn, ngọt. Nho trồng từ tháng 2/2024, chăm sóc đúng quy trình, đúng kỹ thuật mà cán bộ Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc chuyển giao, đến tháng 8 thì vườn nho cho thu hoạch. 

Vụ đầu tiên, ông Xuân thu được 4 tạ nho sữa Hàn Quốc, trên 2 tạ nho hạ đen, bán được trên 100 triệu đồng. Ông cho biết thêm: Đợt thu hoạch vườn nho rất vui và nhộn nhịp bởi có hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, mua nho. Sau vụ nho, tôi đốn cành, tập trung chăm bón để cây ra lá, chuẩn bị vụ hoa, quả mới, hứa hẹn đạt năng suất, thu nhập cao hơn vụ đầu. 

Ông Nguyễn Huy Xuân, xã Tây Đô (Hưng Hà) thành công đưa giống nho quý về trồng, cho thu nhập gấp nhiều lần cây trồng khác. 

Làm giàu từ sản xuất bánh đa truyền thống 

Đến thăm cơ sở sản xuất và thương mại Phúc Hưng của chị Nguyễn Thị Hải Duyên, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ), hình ảnh đầu tiên là rất nhiều bánh đa khô đã được đóng túi và bánh đa ướt xếp đầy gian nhà vẫn còn thơm mùi gạo mới. Một hệ thống máy móc hiện đại đang hoạt động hết công suất cho ra sản phẩm đều, đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chị Duyên chia sẻ: Trước đây tôi sản xuất bánh đa gạo theo phương pháp thủ công truyền thống, sản lượng thấp, mất nhiều công. Muốn nâng cao thu nhập cho gia đình và muốn góp sức xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm bánh đa gạo truyền thống của địa phương vươn tới nhiều tỉnh, thành phố, với sự giúp sức của gia đình, người thân và đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi 70 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ, tôi mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tự động công nghệ nồi hơi tiên tiến, hiện đại nhất xã cho ra sản phẩm bánh bảo đảm ngon, giòn, dai, tiết kiệm năng lượng, chi phí, nâng cao hiệu suất sản xuất. Mỗi ngày cơ sở sản xuất 7 tấn gạo thành phẩm, sản phẩm xuất đi nhiều nơi, được người tiêu dùng đánh giá cao, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng/ năm. Hiện cơ sở đang giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 200.000 - 450.000 đồng/người/ngày.

Chị Bùi Thị Lý, xã Đông Hải cho biết: Tôi đã có tuổi, không đi làm ở công ty được, nay được chị Duyên nhận vào làm. Công việc đóng gói nhẹ nhàng, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, thu nhập 6 triệu đồng/tháng. 

Hiện Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tổng dư nợ đến nay hơn 5.000 tỷ đồng với trên 95.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp hộ nghèo, hộ khó khăn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. 

Thu Hiền