Thứ 6, 26/07/2024, 04:15[GMT+7]

Quy định quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Thứ 4, 11/12/2013 | 16:07:16
888 lượt xem
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 206/2013/NĐ-CP, ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, cá nhân khác có liên quan trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ. Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng và tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn với chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ. Đối với các khoản nợ phải thu, trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Namon> tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, cùng với việc lập và nộp báo cáo tài chính, báo cáo giám sát, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện báo cáo chủ sở hữu về tình hình quản lý và thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, khả năng và tình hình thanh toán nợ.

 

Theo Nghị định, trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp trong việc quản lý nợ phải thu cũng được nêu rõ: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc trên 1 lần thì chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định. Nếu không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghệp được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.

 

Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu bồi thường theo quy định; dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp. Đối với các khoản nợ phải thu tồn đọng còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi. Các khoản nợ phải thu quá hạn từ 06 tháng trở lên, doanh nghiệp phải lập dự phòng và hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong năm.

 

Ngoài ra, các khoản được ngân sách hỗ trợ hoặc cấp bù đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa được cấp thì ngân sách cấp nào nợ, ngân sách cấp đó phải có trách nhiệm bố trí để cấp đủ cho doanh nghiệp. Các khoản ngân sách địa phương nhận trả nợ thay khi điều động tài sản của doanh nghiệp cho đơn vị sự nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì địa phương phải dùng ngân sách để trả nợ doanh nghiệp.

 

Nghị định cũng nêu rõ, đối với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán dứt điểm khoản nợ đối với bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp thực hiện bán và không kế thừa nợ, được ưu tiên sử dụng tiền thu được khi thực hiện bán doanh nghiệp để thanh toán số nợ của doanh nghiệp đối với cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014 và thay thế Nghị định số 69/2002/NĐ-CP, ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với các doanh nghiệp của nhà nước.

 Nguồn dangcongsan.vn

  • Từ khóa