Thứ 3, 20/05/2025, 04:53[GMT+7]

Gỡ khó về vốn tín dụng phát triển nuôi ngao

Thứ 6, 02/05/2014 | 09:33:19
1,004 lượt xem
Thực hiện Đề án phát triển nuôi ngao ở ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp gỡ khó về vốn tín dụng phát triển nuôi ngao, từ đó đáp ứng nhu cầu vay vốn của các địa phương.

Hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng. Ảnh: Ngọc Linh

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 2/6/2011 về việc phê duyệt Đề án và Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 6/9/2011 triển khai thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm, ngành Ngân hàng tổ chức hội nghị nhằm quán triệt, phân tích những thuận lợi, khó khăn, từ đó chủ động bố trí vốn, nhân lực và các giải pháp tăng cường đầu tư phát triển nuôi ngao.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn tổ chức khảo sát thực tế, qua đó nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo giải quyết, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nuôi ngao.

Đến ngày 28/2/2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 1.655 khách hàng vay vốn phát triển nuôi ngao với tổng dư nợ cho vay đạt 456,1 tỷ đồng, tăng 33,3% so với năm 2011, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 96,9%, cho vay trung và dài hạn chiếm 3,1%. Từ nguồn vốn tín dụng đó, các doanh nghiệp và hộ sản xuất trên địa bàn huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo bờ bãi, phát triển nuôi ngao thương phẩm bước đầu đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 8 vào cuối năm 2012 đã gây thiệt hại nặng nề cho Thái Bình nói chung và các hộ nuôi ngao nói riêng, nhiều hộ không có khả năng khôi phục sản xuất, không trả được nợ vay ngân hàng. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào liên tục tăng trong khi đầu ra thiếu ổn định; việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế đã dẫn đến hiệu quả nuôi ngao thấp.

Ngoài ra, do còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định 1519/QĐ-UBND ngày 5/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể nuôi ngao vùng ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 13/3/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định cho thuê đất vùng bãi triều để nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các hộ nuôi ngao, ngân hàng không có cơ sở pháp lý để mở rộng cho vay phát triển nuôi ngao...

Để chia sẻ khó khăn cho các hộ nuôi ngao, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết kiệm chi phí, điều chỉnh giảm lãi suất được quan tâm hàng đầu. Đến ngày 28/2/2014, mặt bằng lãi suất cho vay VND phát triển nuôi ngao đã giảm 4,5%/năm so với thời điểm cuối năm 2012, phổ biến ở mức 8 - 10%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 10,5 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn với khách hàng như: Giữ nguyên nhóm nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 12 khách hàng với tổng dư nợ 3,7 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2 khách hàng với tổng dư nợ 1,1 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 5 khách hàng với tổng dư nợ 1,05 tỷ đồng và miễn, giảm lãi vay cho 6 khách hàng với số tiền 250 triệu đồng.

Là đơn vị có số dư nợ cho vay phát triển nuôi ngao cao nhất tỉnh với dư nợ đến ngày 28/2 là 274,1 tỷ đồng cho 423 khách hàng vay, chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay phát triển nuôi ngao, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi ngao.

Bà Trần Minh Hương, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình cho biết: Từ ngày 1/10/2013, Ngân hàng đã hạ đồng loạt lãi suất từ mức 11%/năm xuống còn 10%/năm cho các hộ nuôi ngao và đến ngày 1/4/2014, Ngân hàng tiếp tục giảm xuống còn 9,5%/năm đối với các món nợ cũ. Cùng với việc điều chỉnh lãi suất đối với các khoản vay cũ, đến ngày 10/4, Ngân hàng còn thực hiện mức lãi suất 8%/năm đối với 5 khách hàng mới được giải ngân với tổng dư nợ 16 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục trình Ngân hàng Công thương Việt Nam hạ mức lãi suất xuống 8%/năm đối với các món nợ cũ.

Còn đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, Giám đốc Nguyễn Minh Thiêm cho biết: Ngân hàng cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các hộ nuôi ngao nhưng vấn đề quan trọng nhất là cần có sự hợp tác của khách hàng trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình thực tế trong sản xuất, có như thế Ngân hàng mới đưa ra được giải pháp phù hợp.

Ông Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian tới, cùng với tín hiệu khả quan về thị trường đầu ra của ngao thương phẩm, ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành trong việc tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển nuôi ngao trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng sản xuất hiệu quả và có nhu cầu vay vốn, thống nhất giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống còn khoảng 8 - 10%/năm; đối với khách hàng gặp khó khăn, thiện chí phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các trường hợp đủ điều kiện, giúp các hộ nuôi trồng kịp thời tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển nuôi ngao, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Minh Hương

  • Từ khóa