Thứ 2, 12/08/2024, 14:27[GMT+7]

Hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 Nhiều tín hiệu khả quan

Thứ 4, 23/07/2014 | 08:51:19
738 lượt xem
Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn tăng 12,4%, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2013. Những con số đó đã phần nào khẳng định nỗ lực, cố gắng của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh...

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Đông Hưng.

Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn tăng 12,4%, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 5,8% so với thời điểm  31/12/2013. Những con số đó đã phần nào khẳng định sự cố gắng nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) Chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sức mua hàng hóa chưa có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn mang tính cầm chừng.

Kết quả nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 đó là nguồn vốn huy động tăng đều qua từng tháng. Mặc dù lãi suất huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 1,2%/năm (đối với VND) và 0,25%/năm (đối với USD) so với thời điểm 31/12/2013 nhưng bằng việc triển khai đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế vẫn được huy động mạnh vào các ngân hàng. Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 24.305 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn so với mức bình quân chung toàn quốc 8,2%. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 90,3%, tăng 16,8% so với thời điểm 31/12/2013, điều đó cho thấy tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh được đông đảo người dân lựa chọn trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguồn vốn luôn dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, có giai đoạn không tăng trưởng, thậm chí còn tăng trưởng âm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc NHNNVN Chi nhánh tỉnh Phan Thị Tuyết Trinh cho biết: Làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là một trong những nhiệm vụ được coi trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngành. Cùng với việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013, từ đó đưa mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 8 - 9%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và 9 - 12% đối với các lĩnh vực kinh doanh khác; các TCTD còn thực hiện giữ nguyên nhóm nợ cho 238 khách hàng với tổng dư nợ 43,5 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 3.582 khách hàng với tổng dư nợ 67 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 197 khách hàng với tổng dư nợ 35 tỷ đồng và miễn, giảm lãi tiền vay cho 39.039 khách hàng với tổng số tiền 36,7 tỷ đồng.

Được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Phụ, anh Bùi Văn Khoa (thôn Bương Hạ Tây, xã Quỳnh Ngọc) phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi ngao trên địa bàn hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy và gỡ khó trong cho vay doanh nghiệp. Đối với cho vay phát triển nuôi ngao, đến ngày 28/2, toàn ngành đã thực hiện giữ nguyên nhóm nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 12 khách hàng với tổng dư nợ 3,7 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2 khách hàng với tổng dư nợ 1,1 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 5 khách hàng với tổng dư nợ 1,05 tỷ đồng và miễn, giảm lãi vay cho 6 khách hàng với số tiền 250 triệu đồng. Đối với cho vay doanh nghiệp, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 5/2014, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ vay cho trên 70 doanh nghiệp, miễn, giảm hơn 3 tỷ đồng lãi tiền vay ngân hàng cho các doanh nghiệp; giai đoạn 2009 - 2012, toàn ngành đã thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho trên 700 doanh nghiệp với tổng số lãi tiền vay đã hỗ trợ 92,8 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các quyết định của UBND tỉnh cho 34 khách hàng với tổng số tiền 12,8 tỷ đồng tập trung ở các lĩnh vực phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, phát triển nghề và làng nghề.

Với sự cố gắng nỗ lực trong toàn ngành, công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế đã đạt được những tín hiệu khả quan. Đến ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 35.480 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2013, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó cho vay nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 25,7%, cho vay công nghiệp, xây dựng chiếm 34,1% và cho vay thương mại, dịch vụ chiếm 40,2% tổng dư nợ.

Không chỉ thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ cho vay, từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng còn thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật… nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đến ngày 30/6, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,8% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh tỉnh),  giảm 0,1% so với 31/12/2013.

Đến nay, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, do vậy trong thời gian tới, ngành Ngân hàng triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách mới; tổ chức các hội nghị giao ban, trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường huy động nguồn vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua phát triển sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa các hình thức huy động; bám sát định hướng của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có hướng đầu tư đúng trọng điểm và có hiệu quả. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí, thực hiện tốt các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi vay… giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Hương

  • Từ khóa