Chủ nhật, 28/07/2024, 11:29[GMT+7]

Tháo nút thắt trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm

Thứ 4, 20/08/2014 | 08:08:10
649 lượt xem
Thời gian qua, nền kinh tế và môi trường kinh doanh khó khăn dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không có khả năng trả nợ đến hạn, làm phát sinh nợ xấu và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngân hàng. Làm thế nào để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm được ngành Ngân hàng chú trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng.

Giao dịch ở Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tân (Kiến Xương).

Ðến ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 35.480 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2013, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó cho vay ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 25,7%, cho vay ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 34,1% và cho vay thương mại - dịch vụ chiếm 40,2%. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 414 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ cho vay. Ông Ðinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Về nguyên tắc, khi khách hàng không trả được nợ vay đến hạn mà không được cơ cấu nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ) và không còn nguồn trả nợ thì bên cho vay (bên nhận bảo đảm - ngân hàng) có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp đã hình thành từ lâu, các hồ sơ liên quan đến đất đai và tài sản hình thành trên đất không còn lưu trữ đầy đủ đã gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ phát mại tài sản. Bên cạnh đó, sự phối hợp chỉ đạo giữa các ngành chức năng và các địa phương trong công tác xử lý, thu hồi nợ chưa được thường xuyên, tích cực... dẫn đến tiến độ xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng trên địa bàn tỉnh còn chậm, đặc biệt là những khoản nợ xấu phải khởi kiện khách hàng ra tòa, thời gian giải quyết kéo dài, thủ tục phức tạp, tốn kém chi phí, làm chậm quá trình thu hồi vốn của ngân hàng phục vụ đầu tư phát triển kinh tế.

Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Thái cho biết: Ðến ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay của Vietinbank Thái Bình đạt 3.471 tỷ đồng, trong đó: công ty cổ phần 706 tỷ đồng, công ty TNHH 1.560 tỷ đồng, doanh nghiệp nhà nước 7 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân 47 tỷ đồng, kinh tế cá thể 1.149 tỷ đồng..., nợ xấu của Chi nhánh 16 tỷ đồng, chiếm 0,5% dư nợ cho vay. Thực hiện Ðề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, thời gian qua, ngoài việc kiểm soát tình hình kinh doanh, Vietinbank Thái Bình còn thường xuyên đôn đốc thu hồi nợ đối với các khách hàng có nợ cơ cấu trả đúng theo thời hạn đã cam kết.

Ðối với công tác xử lý nợ xấu, định kỳ hàng tuần, Hội đồng xử lý nợ của Vietinbank Thái Bình họp và nghe báo cáo tiến độ xử lý nợ, những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó bàn bạc và đưa ra các biện pháp cụ thể đối với từng trường hợp. Theo đó, đối với những khách hàng không có doanh thu, không còn khả năng trả nợ thì ngân hàng phối hợp với khách hàng để bán nợ hoặc phát mại tài sản; đối với khách hàng cố tình chây ỳ không chịu trả nợ thì hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan tố tụng khởi kiện ra tòa. Cùng với Vietinbank Thái Bình, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai các giải pháp thu hồi nợ xấu. 6 tháng đầu năm 2014 đã xử lý, thu hồi 105,3 tỷ đồng. Kết quả trên đã góp phần tích cực giúp các tổ chức tín dụng lành mạnh hóa tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng của từng đơn vị cũng như toàn ngành.

Ngày 16/6/2014, liên Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2014. Với những quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan, Thông tư liên tịch số 16 sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ nút thắt trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, bởi từ đây ngành Ngân hàng đã có sự đồng hành, hỗ trợ quan trọng từ phía các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những cơ quan thi hành pháp luật trong hoạt động xử lý tài sản. Ðây thực sự là tín hiệu vui, là cú hích quan trọng giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, nhanh chóng thu hồi vốn, yên tâm mở rộng đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Hương

  • Từ khóa