Thứ 2, 01/07/2024, 17:16[GMT+7]

Kinh doanh hiệu quả nhưng vẫn chây ỳ vốn vay

Thứ 3, 09/09/2014 | 10:02:16
681 lượt xem
Đối với Dự án Dự án Năng lượng nông thôn II ((REII) gốc gồm 50 xã, thời gian trả nợ gốc và lãi vay không quá ngày 28/4/2028; Dự án REII bổ sung gồm 34 xã thời gian trả nợ không quá ngày 28/4/2031. Cùng với đó, Sở Công Thương đã có công văn về việc thu hồi nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới thực hiện Dự án REII gửi các ngành, huyện, thành phố và các địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, tiến độ trả nợ gốc và lãi của các hợp tác xã dịch vụ điện năng rất chậm.

Nhân viên Hợp tác xã Dịch vụ điện năng xã Vũ Lăng (Tiền Hải) kiểm tra trạm biến áp.

Thái Bình là một trong những tỉnh triển khai Dự án Năng lượng nông thôn II nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với số tiền 18,537 triệu USD, lãi suất 1%/năm, thời hạn 20 năm, có 5 năm ân hạn. Theo hiệp định và hợp đồng tín dụng, thời gian trả nợ vốn vay bắt đầu từ năm 2013.

Để triển khai công tác thu hồi nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án với các đơn vị phân phối điện vay theo đúng các quy định của pháp luật và hoàn thành trách nhiệm trả nợ vay cho Bộ Tài chính, bắt đầu từ ngày 15/10/2013 đến thời điểm trả nợ cuối cùng ngày 28/4/2031, ngày 6/6/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND phê duyệt phương án thu hồi vốn đầu tư thực hiện Dự án REII trên địa bàn tỉnh Thái Bình với phương án cụ thể, chi tiết.

Theo đó, đối với Dự án REII gốc gồm 50 xã, thời gian trả nợ gốc và lãi vay không quá ngày 28/4/2028; Dự án REII bổ sung gồm 34 xã thời gian trả nợ không quá ngày 28/4/2031. Cùng với đó, Sở Công Thương đã có công văn về việc thu hồi nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới thực hiện Dự án REII gửi các ngành, huyện, thành phố và các địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, tiến độ trả nợ gốc và lãi của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng rất chậm.

Theo ông Phan Tự Long, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Sở đã chủ động phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thái Bình và Ban Quản lý Dự án REII xác định số tiền nợ gốc, số lãi phát sinh của từng đơn vị, phát hành thông báo đôn đốc thu nợ tới từng HTX dịch vụ điện năng, công ty cổ phần kinh doanh điện năng của từng địa phương tham gia dự án; đã ban hành 5 lần thông báo thanh toán nợ (lần 1 ngày 4/10/2013, lần thứ 5 ngày 14/6/2014). UBND tỉnh có Công văn số 1904 ngày 4/7/2014 yêu cầu các đơn vị kinh doanh điện nông thôn chưa thực hiện việc trả nợ hoặc chưa trả nợ hết vốn vay theo kế hoạch năm 2013 phải chuyển trả đủ về Quỹ Đầu tư phát triển trước ngày 20/7/2014 và trả nợ của năm 2014 chậm nhất ngày 30/9/2014. Nếu không thực hiện trả nợ theo đúng quy định Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh đối trừ khoản nợ còn lại của các đơn vị kinh doanh điện nông thôn vào ngân sách huyện, thành phố. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản đôn đốc việc trả nợ vốn vay; giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các HTX dịch vụ điện năng, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về tổ chức quản lý các đơn vị kinh doanh điện nông thôn trong toàn tỉnh có hiệu quả.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh của 20 HTX dịch vụ điện năng trên địa bàn tỉnh. Theo ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cơ bản các đơn vị quản lý điện nông thôn xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn trong công tác quản lý, vận hành, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt, tỷ lệ tổn thất điện năng từ 8 - 11%, kinh doanh có lãi và có khả năng trả nợ vốn vay, đồng thời có tích lũy dự phòng đầu tư cải tạo lưới điện khi có yêu cầu gia tăng phụ tải, khắc phục thiên tai. Nguyên nhân chần chừ việc trả nợ vốn vay là do một số địa phương thấy tỉnh có chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý nên tư tưởng không yên tâm trong công tác quản lý, còn chờ xem có bàn giao hay không rồi mới thực hiện việc trả nợ.

Còn theo ông Phan Tự Long, nguyên nhân chính do tư tưởng chây ỳ, ỷ lại vào Nhà nước; công tác quản lý còn buông lỏng dẫn đến kỷ cương chưa nghiêm; cấp ủy, chính quyền ở một số huyện, xã chưa quan tâm nhiều. Vì vậy, đến ngày 15/8/2014, Quỹ Đầu tư phát triển thu hồi số nợ của năm 2013 và chuyển trả Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thái Bình được 9.900,971 triệu đồng, đạt 78,3% kế hoạch thu hồi; trong đó có 65 HTX, công ty cổ phần kinh doanh điện năng đã trả đủ số nợ gốc và lãi của năm 2013; 16 HTX dịch vụ điện năng chưa thực hiện việc trả nợ vay. Số nợ còn phải thu hồi là 2.779,251 triệu đồng. 100% các HTX dịch vụ điện năng chưa thực hiện ký quỹ đầu tư bằng 10% giá trị công trình theo quy định. Nguyên nhân do công tác phê duyệt quyết toán chưa xong nên không đủ căn cứ pháp lý triển khai ký hợp đồng tín dụng giữa Sở Tài chính với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị kinh doanh điện nông thôn thuộc Dự án REII và hợp đồng ủy thác thu hồi nợ đối với Quỹ Đầu tư phát triển. Chỉ khi thực hiện ký quỹ đầu tư thì việc thu hồi vốn sẽ thuận lợi hơn.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa