Thứ 2, 19/05/2025, 10:04[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ 4, 15/04/2015 | 09:12:25
819 lượt xem
Những năm gần đây, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng đã chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Giao dịch ở Quỹ Tín dụng nhân dân Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ).

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.043 doanh nghiệp, 445 chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký gần 28.120 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 91 doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn đăng ký 540,9 tỷ đồng, tăng 7,1% về số lượng, gấp 2,5 lần về vốn so với cùng kỳ năm 2014; 27 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và tự giải thể, giảm 31% so với quý I/2014. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn”, ngay sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã kịp thời triển khai ngay đến các đơn vị trong toàn ngành. Năm 2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 296 khách hàng, gia hạn nợ cho 5.384 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh, gia hạn nợ 238,8 tỷ đồng; giữ nguyên nhóm nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 264 khách hàng; miễn, giảm 31,3 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn. Trong quý I/2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho trên 100 khách hàng, gia hạn nợ cho trên 1.000 khách hàng, miễn, giảm gần 6 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp với mức giảm khoảng 5%/năm so với đầu năm 2013. Hiện nay, mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn; trong đó mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm 60% tổng dư nợ, mức lãi suất từ 10 - 12%/năm chiếm 31% tổng dư nợ và mức lãi suất trên 12%/năm chiếm 9% tổng dư nợ. Ngoài ra, để hỗ trợ một số lĩnh vực ưu tiên phát triển, ngành Ngân hàng còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn các khoản vay mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 7%/năm, cho vay mới lãi suất ngắn hạn ưu đãi 7%/năm đối với các lĩnh vực chế biến thịt lợn, gia cầm, chế biến, xuất khẩu tôm…

 

Cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cho vay doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Ngân hàng còn tập trung giải đáp các kiến nghị của các doanh nghiệp trong tỉnh với các nội dung chủ yếu: tăng hạn mức tín dụng, vấn đề bảo lãnh cho vay, giảm lãi suất tiền vay, kéo dài thời gian vay… Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình cho biết: Để có được kết quả như ngày hôm nay, từ một đơn vị đứng bên bờ vực phá sản, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty còn có sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn hợp tác, đồng hành cùng Công ty, nhất là vào những thời điểm Công ty thu mua nguyên liệu cần một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, để hoàn thiện được thủ tục vay vốn ngân hàng, Công ty cần phải qua nhiều bộ phận, đơn vị với nhiều thủ tục rườm rà gây rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

 

Đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 9.463,11 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; doanh số cho vay đạt 2.334,02 tỷ đồng. Toàn ngành hiện đang quan hệ tín dụng với 985 doanh nghiệp, chiếm 24,4% tổng số doanh nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (dư nợ trung bình 8,05 tỷ đồng/doanh nghiệp), 403 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng (dư nợ trung bình  17,29 tỷ đồng/doanh nghiệp) và 532 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ (dư nợ trung bình 3,93 tỷ đồng/doanh nghiệp). Thời gian tới, ngành Ngân hàng tăng cường huy động tối đa nguồn vốn từ nội bộ nền kinh tế để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội… Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng công khai minh bạch các quy định về đầu tư tín dụng từ tiếp nhận, thẩm định, thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng; thực hiện các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời. Đồng thời tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; kịp thời tổng hợp, kiến nghị trung ương và tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Minh Hương

  • Từ khóa